Bản Cầm trước bài toán phát triển và bảo vệ môi trường: Câu chuyện của trạm trộn bê tông nhựa
15:11 24-01-2024
| :1442
Laocaitv.vn - Hiện, xã Bản Cầm có 5 mỏ đá, trong đó có 3 mỏ đang hoạt động. Mới đây, trạm trộn bê tông nhựa nóng với công suất 120 tấn/giờ của Công ty TNHH MTV Hoàng Nguyên 68 đã được đưa vào sử dụng, nâng tổng số trạm trộn bê tông nhựa tại địa phương này lên con số 2. Người dân lo ngại môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng bởi trạm trộn bê tông công suất lớn này.
Xã Bản Cầm hiện có 3 mỏ đá đang hoạt động, khai thác.
Trạm trộn bê tông của Công ty TNHH MTV Hoàng Nguyên 68 được UBND huyện Bảo Thắng chấp thuận xây dựng sau khi công ty đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Song dù mới chỉ hoạt động thử nghiệm từ cuối tháng 12 năm 2023, nhưng đã dấy lên lo ngại về ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư.
Xe chở đá hoạt động khiến người dân lo lắng về ô nhiễm môi trường.
Ông Vương Văn Phà, một cư dân của thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Trước có nhà máy của Minh Đức, cũng có hôi, nhưng Minh Đức họ làm quy mô nhỏ, chỉ vào buổi đêm. Cái máy này nhìn họ lắp to hơn, cũng nghĩ chắc là phải hoạt động nhiều hơn thì mới lắp máy to như thế, người dân chỉ lo ngại về sức khỏe sau này, mong lãnh đạo các nhà máy quan tâm đến sức khỏe người dân, môi trường không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”.
Trạm trộn bê tông nhựa nóng mới được đặt tại thôn Bản Cầm.
Trước khi dự án được triển khai, Công ty TNHH MTV Hoàng Nguyên 68 đã thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân trong phạm vi bán kính 500m theo quy định. Tuy nhiên, các hộ dân nằm ngoài bán kính này cho rằng, hoạt động của trạm trộn có ảnh hưởng đến môi trường sống của hầu hết các hộ dân trong thôn nên cũng cần được hỗ trợ.
Đại diện Công ty Hoàng Nguyên 68 đối thoại với nhân dân thôn Bản Cầm.
Chị Lý Thị Thắm, Bí thư Chi bộ thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng cho biết: "Buổi hôm nay trực tiếp đối thoại với nhân dân, và cũng đạt được các thỏa thuận hỗ trợ toàn bộ nhân dân ở trong trung tâm thôn này mỗi hộ gia đình 3 triệu đồng, kể cả phạm vi bán kính trên 1km công ty cũng hỗ trợ. Còn những hộ trong phạm vi bán kính khoảng 500m, tiếp giáp với trạm trộn hỗ trợ 7 triệu đồng/1 hộ dân".
Ông Bùi Đại Lợi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Nguyên 68 khẳng định: “Công ty cũng đã lựa chọn một dây truyền thiết bị hiện đại nhất của năm 2023, để làm sao các điều kiện về khí thải, môi trường, trong quá trình hoạt động của dự án, thải ra môi trường, phát ra môi trường đảm bảo trong các tiêu chuẩn quy định cho phép của pháp luật về luật môi trường và khí thải”.
Việc đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân là chìa khóa để hóa giải những khúc mắc giữa 2 bên. Tuy nhiên, về lâu dài, phải đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân và duy trì an ninh trật tự trong khu vực.
Ông Lùng Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng nói: “Nếu mà chúng ta xác định để khu tại thôn Bản Cầm là khu công nghiệp để khai thác về vật liệu xây dựng cũng như phát triển các chương trình khác, thì chỗ này chúng tôi đang nghiên cứu xem chỗ nào phù hợp, quy hoạch thành khu tái định cư, giúp bà còn nhân dân an tâm, đảm bảo sức khỏe của nhân dân”.
Ông Vương Quốc Mạnh, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tích cực tham mưu, xây dựng các kế hoạch, thường xuyên kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường, công tác khai thác khoáng sản của các đơn vị, yêu cầu các đơn vị chấp hành các quy định về khai thác đúng phạm vi ranh giới, đúng công suất, cũng như là sẽ phải phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp”.
Như vậy, về căn cơ, vẫn cần giải pháp mang tính bền vững, đó là quản lý tốt hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; chú trọng hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm, xây dựng khu tái định cư để người dân được sinh sống trong môi trường an toàn.
Ngọc Diệp – Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết