Bàn giải pháp quản lý chất lượng giống dược liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai

10:29 25-11-2020 | :429

Laocaitv.vn – Sáng 25/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tổ chức Helvetas Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng và bàn giải pháp quản lý chất lượng giống dược liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội - Viện Dược liệu; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị và các doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

 

Quang cảnh hội thảo.

Lào Cai hiện có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc, 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Ước tính đến hết năm 2020, diện tích trồng dược liệu toàn tỉnh là 2.300 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn. Trong đó, 76 ha đang áp dụng thực hành tốt phương pháp trồng trọt và thu hái cây thuốc đạt tiêu chuẩn GACP – WHO cho cây Atiso, chè dây, đương quy và xuyên khung. Cả tỉnh hiện có 4 cơ sở chế biến dược liệu với các sản phẩm dược liệu tươi, dược liệu khô và sản phẩm đã qua chế biến. Về thị trường tiêu thụ, hằng năm thu mua trên 6.000 tấn, chiếm 40% sản lượng dược liệu sản xuất...

Thực tế cho thấy, việc trồng và sản xuất dược liệu tại Lào Cai hiện còn gặp rất nhiều khó khăn như: Chưa có đơn vị chuyên sâu tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống cây dược liệu; giống phục vụ nhu cầu sản xuất hiện nay chưa được chuẩn hóa, chưa phải là giống ưu thế, một số chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Cây dược liệu chủ yếu được các hộ gia đình trồng với quy mô nhỏ lẻ, sản xuất dựa vào kinh nghiệm; chưa có quy trình kỹ thuật chuẩn hóa từ khâu nhân giống, trồng trọt, thu hái, sơ chế, chế biến đến bảo quản các loại cây dược liệu trong danh mục quy hoạch phát triển, ảnh hưởng đến việc bố trí thời vụ, năng suất và chất lượng dược liệu.

Đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, thực tế tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của tỉnh Lào Cai là rất lớn, tuy nhiên, quy mô diện tích còn hạn chế, manh mún, việc phát triển mở rộng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khâu sản xuất giống cây dược liệu. Do vậy, tỉnh cần rà soát lại quy hoạch, xác định chi tiết vùng trồng và xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái; phát triển mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh dược liệu hiệu quả thông qua nhân rộng mô hình trồng gắn với chế biến; xây dựng các mô hình theo hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu bền vững; thu hút doanh nghiệp dược liệu đầu tư phát triển sản phẩm, sử dụng nguyên liệu bản địa; tham mưu đề xuất một số cơ chế cho phát triển dược liệu, y học cổ truyền trên địa bàn.

Tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ các đơn vị tại địa phương nghiên cứu, sản xuất giống, tập trung vào một số loài có thế mạnh và có giá trị kinh tế cao; xây dựng cơ sở ươm và nhân giống dược liệu tại một số khu vực trồng dược liệu tập trung, đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống; khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia cung ứng giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra theo chuỗi khép kín nhằm chủ động, phát triển ổn định vùng nguyên liệu dược liệu; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm dược liệu.

Quang Ánh – Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết