Bản lĩnh doanh nghiệp Lào Cai

14:44 13-10-2021 | :867

Laocaitv.vn - Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Cả nước vẫn đang phải đối diện với chồng chất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, riêng với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thì những tác động, ảnh hưởng càng nặng nề hơn do sản xuất, kinh doanh đình trệ. Vậy ở Lào Cai, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã và đang đối diện, vượt qua giai đoạn khó khăn này như thế nào, chính quyền địa phương và các ngành đã đồng hành như thế nào cùng với họ.

Mặc dù gặp khó khăn nhưng Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nam Phong đã tìm giải pháp để thích ứng. 

Ngày Doanh nhân Việt Nam không chỉ là dịp để xã hội tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân như ý nghĩa vốn có của ngày này, mà còn là lúc các cấp, các ngành và mỗi người dân cần nhìn nhận, sẻ chia và chung tay tháo gỡ những khó khăn mà các doanh nghiệp, doanh nhân đang gặp phải - những khó khăn mà có thể nói là chưa từng có trong tiền lệ. Trước kia mỗi ngày Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nam Phong xuất khẩu khoảng từ 300 đến 400 tấn thanh long qua Cửa khẩu Kim Thành. Giờ đây, do phía doanh nghiệp Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng này nên doanh nghiệp buộc phải tìm hướng đi khác để thích ứng. Ông Vũ Văn Tuế, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nam Phong chia sẻ: “Mặt hàng chúng tôi xuất khẩu chủ yếu là thanh long. Giờ không xuất khẩu được nữa, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của doanh nghiệp, các chi phí chúng tôi nhập khẩu rất là lớn”.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc về Việt Nam cũng đang gặp quá nhiều khó khăn. Do thời gian thông quan kéo dài nên nhiều mặt hàng bị hư hỏng khi về nước. Tại Công ty Logistic Việt - Trung, một số chủ hàng đã phải dỡ cả lô hàng nông sản nhập từ Trung Quốc về để lọc, bỏ số lượng bị thối và hỏng. Anh Nguyễn Thế Anh, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Việt - Trung cho biết: “Hàng để trên xe phơi nắng 1, 2 ngày khi đến cửa khẩu này thì bị thối, hỏng rất nhiều, thiệt hại về kinh tế tương đối lớn”.

Bà Hợi (trái ảnh) chia sẻ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp thì gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đang làm suy kiệt dần sức chịu đựng của doanh nghiệp. Không ít đơn vị bị đình đốn sản xuất kinh doanh, đối diện với nguy cơ phá sản. Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia, nhưng trên thực tế thì chỉ có 1.900 doanh nghiệp và hợp tác xã đang hoạt động và có doanh thu trên địa bàn. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp cũng giảm 17,8 nghìn tỷ đồng so với năm 2019, hợp tác xã giảm 283,2 tỷ đồng, tổng số lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã giảm 4.055 người. Bà Nguyễn Thị Hợi, Giám đốc Khách sạn Sa Pa Charm cho biết: “Nhân viên phải nghỉ việc 100%, khách sạn đóng cửa, mọi chi phí rất là khó khăn. Chúng tôi rất khó khăn trong trả tiền lãi và tiền gốc ngân hàng, mọi vấn đề trở nên quá phức tạp”.

Đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với việc triển khai các giải pháp hiệu quả để kiểm soát dịch Covid-19 thì rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã được ban hành và triển khai đồng bộ, tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Anh Tuyến (phải ảnh) vui mừng vì nhà hàng của anh được miễn giảm tiền thuế trong thời gian tạm dừng kinh doanh.

Là hộ kinh doanh nhà hàng và dịch vụ có đăng kí thuế, ngoài việc được miễn giảm tiền thuế trong thời gian tạm dừng kinh doanh Nhà hàng Romano Piza, thị xã Sa Pa đã làm hồ sơ đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Anh Nguyễn Văn Tuyến, Chủ Nhà hàng Romano Piza, thị xã Sa Pa cho biết: “Thuế Nhà nước đã hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn, miễn thuế từ tháng 5, những tháng nào đóng cửa đều miễn rất đỡ cho các cơ sở chúng tôi. Rất ý nghĩa, sự động viên, quan tâm đến hộ kinh doanh, đó là nguồn động viên lớn, thiết thực”.

Hệ thống các ngân hàng trong tỉnh cũng đang nỗ lực đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh bằng nhiều cách khác nhau. Bởi suy cho cùng thì chỉ khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì thị trường tín dụng mới đảm bảo sự lành mạnh, an toàn. Chị Nguyễn Thị An, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nghiệp chia sẻ: “Doanh nghiệp được ngân hàng hỗ trợ rất nhiều. Thứ nhất là về giảm lãi xuất, thứ hai là về những khoản vay đến kỳ hạn phải trả doanh nghiệp được ngân hàng giãn nợ giúp công ty duy trì hoạt động sản xuất. Năm 2020 được giảm 2 đến 3 tỷ tiền lãi vay ngân hàng”.

Hệ thống ngân hàng trong tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Riêng đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu, nghị quyết về việc giảm các mức thu phí sử dụng hạ tầng đối với phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu mới được HĐND tỉnh thông qua đã thực sự mang tới niềm tin và tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp. Chị Phạm Thị Hoài Phương, Công ty TNHH XNK Huy Hiếu cho biết: “Các lực lượng ở đây hết sức tạo điều kiện. Nhất là các mặt hàng nông sản được ưu tiên luồng xanh".    

Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho rằng "Với chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19" cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thực sự rất phấn khởi, tràn đầy quyết tâm vừa duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, vừa chống dịch hiệu quả để khôi phục kinh tế. Chúng tôi mong muốn chính quyền tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp”.

Hợp tác xã Thức Mai đầu tư máy móc phục vụ chế biến sâu sản phẩm cá hồi. 

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức” trải qua khó khăn, không ít các doanh nghiệp, doanh nhân Lào Cai đã khẳng định bản lĩnh của mình. Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh tác động lớn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu, mọi quy trình sản xuất của các nhà máy đã bị đảo lộn thì nhiều doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh đã rất năng động và sáng tạo để thích ứng, duy trì hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề. Hợp tác xã Thức Mai, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa đã có kinh nghiệm gần 10 năm phát triển nghề nuôi cá nước lạnh tại thôn Can Hồ Mông, thị xã Sa Pa. Mới đây hợp tác xã đã quyết định lựa chọn hướng đi khác biệt, đầu tư thêm cả tỷ đồng mua thiết bị máy móc phục vụ chế biến sâu sản phẩm. Hiệu quả mang lại vượt xa kỳ vọng. Đặc biệt là từ cuối năm 2020, các sản phẩm của hợp tác xã được công nhận là sản phẩm phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia, doanh số bán hàng tăng mạnh, có tháng đã lên tới gần 2 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần trước đây. Chị Phạm Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã Thức Mai, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết: “Mới đầu hợp tác xã vay ngân hàng hơn 3 tỷ, gồm có xây dựng và mua máy móc… con người không thể làm nhanh được, có máy móc hiệu suất cao hơn nhiều. Từ năm thi OCOP sản lượng tăng hơn, nhiều người biết đến hơn, có tháng tăng gấp 3 lần. Chúng tôi cung cấp mặt hàng cá hồi đến 24 tỉnh, thành trong cả nước”.

Trong hoạt động sản xuất công nghiệp, áp lực mang tính sống còn đối với doanh nghiệp vào thời điểm này là phải tính toán, tiết giảm tối đa mọi chi phí trong từng khâu, từng công đoạn. Việc duy trì hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp gia công chế biến sâu tại Lào Cai trong suốt thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần, nỗ lực cao độ của cộng đồng doanh nghiệp để tránh đình trệ, tạo việc làm, thu nhập cho gần 10.000 công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Anh Nguyễn Duy Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Tiến cho biết: “Chúng tôi bố trí lại sản xuất, tính toán những chi phí có thể giảm để cắt giảm, tính toán việc nhập nguyên liệu tùy theo từng thời điểm khác nhau để giảm chi phí sản xuất”.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị giải đáp kiến nghị, phản ánh và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.  

Tại hội nghị giải đáp kiến nghị, phản ánh và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa được tổ chức vào ngày 22/9, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường khẳng định, Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, giúp doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển” sẽ luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu và cam kết thực hiện. 

Nhóm PV


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết