Báo động tình trạng quá tải bãi thải Gyps của nhà máy DAP số 2 Lào Cai

16:11 09-08-2021 | :1455

Laocaitv.vn - Nhà máy sản xuất phân bón của Công ty Cổ phần DAP số 2 tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng đang bước vào thời kỳ cao điểm sản xuất để đáp ứng nhu cầu phân bón trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nhà máy đang phải sản xuất cầm chừng vì bãi đổ thải Gyps gần như không còn sức chứa.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt của doanh nghiệp, khu vực tập kết chất thải sau quá trình sản xuất phân bón DAP hiện tại có diện tích 10,5 ha, với sức chứa 4,1 triệu tấn, chiều cao cho phép tối đa 45 m.

Đây là bãi thải được cấp phép tạm thời với sức chứa 5 năm, để doanh nghiệp đủ điều kiện chuyển sang sử dụng bãi lâu dài diện tích 28 ha. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất. Tuy nhiên, dù vẫn trong phạm vi được cấp phép, nhưng chiếu theo các quy định của pháp luật thì bãi thải này đã chạm ngưỡng giới hạn, không thể lưu trữ thêm quá 45 ngày. "Đơn vị đang san gạt hết những chỗ trống để có thể đổ thêm một thời gian nữa, để đảm bảo nhà máy tiếp tục sản xuất". anh Đỗ Doãn Mạnh Hoàn, tổ giám sát bãi Gyps Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem cho biết. 

Bãi đổ thải Gyps của nhà máy DAP số 2 Lào Cai sắp đạt tới ngưỡng giới hạn.

Theo Quyết định số 452/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng thì hết năm 2020 diện tích bãi thải không được vượt quá lượng phát thải của 2 năm sản xuất trung bình. Cùng với đó phải tăng cường xử lý các chất thải này nhằm bảo vệ môi trường. Chiếu theo quy định trên thì Nhà máy DAP số 2 không thể hoạt động hết công suất vì đã hết chỗ chứa chất thải.

Ông Vũ Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem cho biết thêm: "Nhà máy đang bị hạn chế sản xuất vì bãi thải Gyps gần hết chỗ chứa. Nếu hết chỗ chứa công ty sẽ phải ngừng máy, từ đó ảnh hưởng đến đời sống người lao động, máy móc cũng bị hư hỏng nên thiệt hại sẽ rất lớn".

Một phần diện tích không nhỏ của bãi thải vẫn còn trống nhưng lại vướng 2 đường lưới điện cao thế chạy bên trên, nên chiều cao đổ thải cũng bị khống chế ngặt nghèo để đảm bảo an toàn. Để nhà máy tiếp tục hoạt động được trong 1 năm tới, giải pháp ban đầu là di chuyển 2 đường điện 220kV và 110kV. Về lâu dài, doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm đối tác để xử lý chất thải Gyps và đề xuất cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ.

Ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp với các sở ngành, đưa ra các giải pháp để đơn vị sớm được cấp phép sử dụng bãi thải chính 28,6 ha mà hiện nay đơn vị đã giải phóng mặt bằng".

Để đẩy cao công suất, đáp ứng nhu cầu phân bón trong nước và xuất khẩu, cũng như giải quyết khó khăn về tài chính là nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với việc tháo gỡ những nút thắt trong sản xuất, bản thân các nhà máy cũng cần tính đến phương án lâu dài, trong đó yếu tố đảm bảo môi trường luôn phải đặt lên hàng đầu.

Đức Tính – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết