Báo động tình trạng sâu keo mùa thu lây lan trên diện tích ngô xuân và ngô chính vụ

15:30 19-04-2019 | :2161

Laocaitv.vn - Trong khi trà lúa xuân 2019 của tỉnh Lào Cai đang bị đe dọa bởi bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông, thì trên cây ngô, sâu keo mùa thu cũng đang có xu hướng lây lan mạnh. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại thời điểm này, tổng diện tích ngô bị sâu keo mùa thu xâm nhiễm đã lên tới gần 200 ha, trong đó, huyện Bảo Thắng có diện tích bị nhiễm gần 100 ha, huyện Văn Bàn 50 ha, huyện Bát Xát khoảng 20 ha, còn lại là những địa phương khác.

Sâu keo mùa thu là đối tượng sâu bệnh được đánh giá đặc biệt nguy hiểm đối với mùa màng.

Xuất hiện chính thức từ đầu tháng 4, trên diện tích 50 ha ngô xuân của xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, sâu keo mùa thu được xác định là đối tượng sâu bệnh lạ, không nằm trong danh mục quản lý bảo vệ thực vật của tỉnh và lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, đây là đối tượng sâu bệnh được đánh giá đặc biệt nguy hiểm đối với mùa màng, bởi sâu keo mùa thu là loài đa thực, phàm ăn và ăn rất khỏe, nhất là với những loại cây trồng được chúng đặc biệt ưa thích như cây ngô, lúa, mía và dong riềng. Đối với cây ngô, sâu keo mùa thu gây hại mạnh vào đỉnh sinh trưởng của cây trồng, sâu non sau khi nở sẽ chui vào ngọn cây ngô, chúng gây hại từ trong ra ngoài, phần ngọn cây ngô bị cắn đứt trước, sau đó chúng ăn khuyết dần các lá non tiếp theo.

Khảo sát trên các cánh đồng ngô tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, thực tế cho thấy sâu keo mùa thu đang có xu hướng sinh sôi mạnh, mật độ phổ biến 1 – 2 con/1 cây, mật độ cao 3 – 4 con/cây. Hầu hết những cây ngô bị nhiễm bệnh đều hỏng hết nõn, cây dừng sinh trưởng.

Cây ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu đều hỏng hết nõn và không thể tiếp tục sinh trưởng.

Trước nguy cơ sâu keo mùa thu đe dọa mùa màng, để bảo vệ diện tích ngô xuân và ngô chính vụ của tỉnh, những ngày qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai đã ra văn bản cảnh báo mức độ nguy hại của đối tượng sâu bệnh, đồng thời phối hợp với các huyện, xã tiến hành các biện pháp phòng chống sâu bệnh. Tuy nhiên, do đây là đối tượng sâu bệnh lạ, khả năng sinh sản rất nhanh và rất khó khăn trong công tác phòng trừ (vì sâu keo mùa thu non khu trú trong ngọn ngô, khiến bà con gặp khó trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật), nên Chi cục Trồng trọt và Bảo Vệ thực vật tỉnh Lào Cai khuyến cáo: Các địa phương phải cử cán bộ chuyên môn cùng bà con nông dân bám sát đồng ruộng, phát hiện sớm sâu bệnh để tổ chức ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, việc phun thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu trên cây ngô phải đúng chủng loại và quy cách. Hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu để bảo vệ diện tích ngô xuân của địa phương. Kỹ sư Bùi Thị Hương, Trưởng phòng Kỹ thuật - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết thêm: "Vì sâu keo mùa thu gây hại trong phần nõn cây ngô nên rất khó để thuốc tiếp xúc với sâu bệnh. Do đó, để phun phòng hiệu quả nhất, người dân cần lưu ý sử dụng các loại thuốc đặc trị như Virtako, Takumi... hoặc một số loại thuốc có hoạt chất Indoxacarb; cần lưu ý sử dụng thuốc đúng nồng độ, khi phun phải đúng kỹ thuật để thuốc tiếp xúc và diệt được sâu bệnh".

 Phun thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu trên cây ngô phải đúng chủng loại và quy cách để đạt hiệu quả cao nhất.

Đại diện cơ quan chuyên môn cũng đặc biệt khuyến cáo, các địa phương không được giấu tình hình sâu bệnh, khi phát hiện diện tích ngô bị sâu keo mùa thu xâm nhiễm cần thống kê số liệu đầy đủ, đánh giá chính xác tình hình và diễn biến sâu bệnh để phối hợp tổ chức phòng trừ tốt, bảo vệ năng suất, sản lượng ngô của địa phương.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã trồng được 21.000 ha ngô, trong đó, có 10.000 ha trà ngô sớm, hiện đang sinh trưởng từ 6 – 10 lá; trà chính vụ diện tích trồng trên 11.000 ha, hiện đang sinh trưởng từ 2 – 5 lá; trà muộn bắt đầu trồng. Diện tích ngô xuân và ngô chính vụ tập trung tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Si Ma Cai và Bảo Yên.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết