Laocaitv.vn - Huyện Bảo Thắng hiện có khoảng 730 ha mặt nước chăn nuôi thủy sản. Những năm qua, người dân tại địa phương này đã chuyển từ chăn nuôi thủy sản quảng canh sang thâm canh theo hướng an toàn sinh học, nhờ vậy, năng suất và sản lượng thủy sản của địa phương đã tăng khá cao. Đây là cơ sở để Bảo Thắng đặt mục tiêu mở rộng diện tích thâm canh thủy sản trong những năm tới, nhằm khai thác tối đa thế mạnh chăn nuôi thủy sản của địa phương.
Chuyển một phần diện tích đất ruộng trồng lúa sang chăn nuôi thủy sản được khoảng 6 năm nay, ngay từ đầu, gia đình anh Phạm Văn Hợp, ở tổ dân phố số 1, thị trấn Phong Hải đã bỏ ra một số tiền tương đối lớn để đầu tư xây dựng hệ thống ao, máy sục ô-xy và hệ thống cung cấp thức ăn tự động cho cá; áp dụng kỹ thuật chăn thả thâm canh đối với 3 loại cá là: Cá chép, cá trắm cỏ và cá rô phi. Cứ trong vòng 2 năm, 6.000m2 mặt nước cho gia đình anh Hợp thu hoạch 3 vụ cá, mỗi vụ sản lượng đạt từ 2,5 đến 3 tấn cá, đem lại nguồn thu cả trăm triệu đồng. Lấy con cá làm thu nhập chính, nên để có đầu ra ổn định, lâu dài, anh Hợp rất chú ý đến các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. "Để nuôi cá an toàn, đảm bảo về chất lượng thì phải quan tâm đến kỹ thuật nuôi và biết đúc rút kinh nghiệm; đặc biệt là phải phòng bệnh cho cá định kỳ hằng tháng và thay đổi cám thức ăn theo từng giai đoạn của cá cho phù hợp", anh Hợp cho biết thêm.
Ao nuôi cá của gia đình anh Hợp được đầu tư xây dựng bài bản với máy sục ô-xy và hệ thống tự động cung cấp thức ăn.
Là thành viên của Hợp tác xã Chăn nuôi thủy sản Phong Hải, đồng thời cũng là trưởng thôn Khởi Khe, anh Bàn Trọng Nghĩa đã chuyển từ chăn nuôi cá quảng canh sang thâm canh khoảng gần chục năm nay. Bỏ lối chăn nuôi truyền thống và mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để tôn tạo lại 2 ao cá có nguồn nước vào ra liên tục, đầu tư thêm 4 máy sục khí, 3 máy phun cám tự động hẹn giờ cho cá ăn, anh Nghĩa khẳng định: Chăn nuôi theo hình thức công nghiệp giúp đàn cá mau lớn, ít khi bị bệnh và mang lại lợi nhuận tương đối cao cho gia đình anh cũng như nhiều hộ chăn nuôi cá khác ở Khởi Khe.
Hiện, Bảo Thắng hình thành được 3 vùng chăn nuôi thủy sản hàng hóa trọng điểm, tập trung tại thị trấn Phong Hải, xã Phú Nhuận và xã Phong Niên. Tuy nhiên, theo ngành Nông nghiệp địa phương thì nguồn lợi thủy sản của Bảo Thắng trên thực tế vẫn chưa được khai thác hết, bởi hiện tại, mới chỉ có khoảng ½ tổng diện tích thủy sản của huyện được người dân áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất. Chính vì vậy, giai đoạn 2020 – 2025, hướng đi của Bảo Thắng là sẽ không mở rộng diện tích mà tập trung thâm canh tăng năng suất, phát huy triệt để thế mạnh chăn nuôi thủy sản của địa phương.
2 ao nuôi cá được anh Bàn Trọng Nghĩa ở thôn Khởi Khe tôn tạo lại để nuôi cá theo hình thức thâm canh.
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: "Thủy sản là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, chính vì vậy mà huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục tăng diện tích thâm canh thủy sản đối với các diện tích còn lại; ngoài ra, có thể áp dụng một số biện pháp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng cũng như giá trị sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thủy sản của huyện đạt trên 4.000 tấn, và chọn một số loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao để tăng thêm giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích nuôi thủy sản".
Để hỗ trợ nông dân sản xuất, ngoài việc tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn, tham quan và đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó chú trọng chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi cá lồng, bè trên sông, hồ và các loại thủy sản đặc sản như cá nheo, cá chiên để tăng giá trị sản xuất, Bảo Thắng sẽ tiếp tục chỉ đạo nuôi thử nghiệm một số giống cá nước ngọt mới có giá trị kinh tế làm mô hình điểm để các tổ chức, cá nhân học tập nhằm phát triển giống cá có giá trị kinh tế cao, tạo ra sản phẩm mới cho địa phương.
An Hồng - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết