Bảo tồn chim di cư và hoang dã ở Lào Cai

15:47 01-11-2023 | :390

Laocaitv.vn - Cứ vào mùa chim di cư, tại nhiều tỉnh, thành trong nước, tình trạng bẫy bắt chim di cư, chim hoang dã lại tái diễn với nhiều hình thức ngày càng nghiêm trọng. Tại Lào Cai, mặc dù các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đồng thời xử lý nghiêm việc săn bắn, bẫy bắt, buôn bán chim di cư. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Lưới Nhân dân chăng trên cánh đồng để bẫy bắt chim di cư.

Dọc tuyến biên giới sông Hồng, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nạn săn bắt chim di cư. Đồng thời tuyên truyền, tổ chức ký cam kết trong các cộng đồng dân cư về việc không săn bắt, buôn bán, hoặc tiêu thụ các loài chim hoang dã. Vậy nhưng những hình ảnh này, hình ảnh do chính lực lượng kiểm lâm huyện Bát Xát cung cấp cho thấy rằng, thực trạng bẫy bắt chim di cư vẫn rất nghiêm trọng. Ông Bùi Quốc Tuý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết: "Đặc thù của chim di cư, di cư vào ban đêm. Cái khó khăn thứ nhất về công tác quản lý hành chính, không có pháp nhân tuần tra biên giới, đặc biệt về ban đêm. Khó khăn thứ hai đường biên dài, nhu cầu tiêu thụ nguồn chim di cư của người dân cũng rất cao. Khó khăn thứ ba đối với dụng cụ, phương tiện săn bắt chim di cư rất dễ mua, dễ sắm, về giá trị kinh tế không cao".

Không chỉ ở Bát Xát mà tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, nơi nào có chim di cư về tránh trú thì nơi đó đều xuất hiện các đối tượng bẫy bắt chim. Những tay săn dùng mọi hình thức, thủ đoạn, công cụ để những con chim trời sa bẫy. Việc ngăn chặn nạn bẫy bắt chim là không dễ do địa bàn rộng, điểm bẫy chim thường nằm ở những khu vực hiểm trở. Hơn nữa, hoạt động bẫy bắt thường được các đối tượng thực hiện rất kín đáo để qua mắt các cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thống nhất, thành phố Lào Cai cho biết: "Lưới Nhân dân chăng trên cánh đồng, chúng tôi có thể nhìn thấy ngay và thu ngay. Thế còn một số địa điểm trong vùng lũng, vùng khe, thực ra là địa bàn rất khó, công chức không có nhiều thành ra nhiều khi vẫn còn những hộ đánh bắt trong khe mà chúng tôi chưa kịp thời phát hiện".

Lực lượng kiểm lâm thu giữ gần 6.000 m lưới từ đầu tháng 9 đến nay.

Lào Cai là địa bàn trú ngụ và đường di chuyển của nhiều loại chim hoang dã, quý hiếm. Một số khu vực có cánh đồng rộng, mạng lưới sông, suối, hồ đập phong phú xen giữa những cánh rừng xanh tốt, tạo nguồn thức ăn đa dạng, thu hút các loài chim di cư từ xứ lạnh đến trú đông hoặc tạm dừng nghỉ trước khi tiếp tục hành trình về phương Nam tránh rét. Nhưng điều đáng lo ngại là tại nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành chuỗi vi phạm, từ bẫy bắt, đến vận chuyển, mua bán và tiêu thụ chim di cư... tạo nhiều thách thức cho công tác quản lý, bảo tồn các loài chim. Ông Nguyễn Xuân Sâm, Chi cục phó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết: "Tăng cường công tác tuần tra nắm bắt để mà xử lý các hoạt động, các hành vi bẫy bắt chim hoang dã, di cư, cụ thể từ khi mà triển khai từ đầu tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, thu giữ gần 6.000 m lưới, hàng chục loa, ắc quy là những dụng cụ để bẫy bắt chim di cư".

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thì ý thức của mỗi người dân trong việc không bẫy bắt, buôn bán, tiêu thụ chim di cư. Đồng thời phát hiện, báo cho các cơ quan chức năng để ngăn chặn những đối tượng bẫy bắt chim là rất quan trọng, tạo cơ hội cho sự sống, sinh sôi, phát triển của các loài chim hoang dã./.

Tiến Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết