Bảo tồn nghề dệt của người Thu Lao

15:10 24-10-2024 | :127

Laocaitv.vn - Nghề dệt của người Thu Lao, huyện Si Ma Cai là nét văn hóa truyền thống độc đáo, được gìn giữ và phát huy từ nhiều đời nay. Tháng 4/2024, nghề dệt được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui lớn đối với những người dân địa phương, tạo động lực để đồng bào Thu Lao tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình.

Cứ mỗi độ thu về, trước hiên nhà của người Thu Lao ở thôn Sán Chá, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai lại nhộn nhịp hơn. Các bà, các mẹ tụ họp cùng nhau kéo bông, kéo sợi, dệt vải, chuẩn bị may trang phục ngày tết. Sự tỉ mẩn, khéo léo của người phụ nữ Thu Lao được thể hiện trong từng công đoạn, từ kéo bông, kéo sợi cho đến dệt thành vải.

Bà Vàng Thị Sìn ở thôn Sán Chá cho biết: "Công đoạn kéo sợi mất ít nhất khoảng 3 tiếng đồng hồ nếu chỉ không bị đứt. Người làm công việc này phải có sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn, nếu không chỉ sẽ dễ bị rối và lúc dệt vải sẽ không thành". 

Bà Vàng Thị Sìn thực hiện công đoạn kéo sợi - một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. 

Để hoàn thiện một bộ trang phục Thu Lao cần rất nhiều công đoạn, từ trồng, thu hoạch bông, tách hạt, tơi bông, lăn thành các con bông dài rồi kéo bông, kéo sợi, dệt vải... Dù cầu kỳ và mất nhiều thời gian, nhưng hơn 80 hộ dân Thu Lao ở thôn Sán Chá, nhà nào cũng có một mảnh nương trồng bông, năm nào người phụ nữ Thu Lao cũng dành thời gian nhất định để làm và hướng dẫn con cháu giữ nghề truyền thống. 

Phải trải qua rất nhiều công đoạn mới làm ra một bộ trang phục truyền thống của người Thu Lao. 

Si Ma Cai có khoảng 1.000 người Thu Lao sinh sống. Cuộc sống dần hiện đại, nhưng người Thu Lao vẫn giữ nét văn hóa dệt độc đáo. Trung bình mỗi thôn người Thu Lao sinh sống có từ 3 - 5 khung dệt, 10 - 25 phụ nữ biết và giỏi nghề dệt. Số nghệ nhân trong cộng đồng Thu Lao biết nghề dệt có khoảng 70 người. 

Chị Vàng Thị Viễn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Sán Chá, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai cho biết: "Hằng năm, Chi hội Phụ nữ thôn cũng tuyên truyền cho các chị em tiếp tục trồng cây bông để kéo sợi và dệt vải, nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của người Thu Lao".

"Làm sao cho hội viên cũng như Nhân dân hiểu được bản sắc, giá trị văn hóa của dân tộc mình và từ bản sắc văn hóa dân tộc đó thì có thể mang lại thu nhập cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương", bà Dương Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Si Ma Cai cho biết thêm.

 Người Thu Lao luôn có ý thức gìn giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.

Nghề dệt của người Thu Lao, huyện Si Ma Cai được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 4/2024. Đây là động lực để bà con tiếp tục bảo tồn và phát huy nghề truyền thống độc đáo của dân tộc.

Tráng Chủ - Thào Sếnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết