Laocaitv.vn - Đến nay, diện tích chè hàng hóa của huyện Bảo Yên đã giảm hơn một nửa so với năm 2020. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, địa phương đang có nhiều giải pháp để khôi phục vùng chè hàng hóa đã được kiến thiết từ vài chục năm nay. Ghi nhận tại xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên.
Hiện, diện tích chè hàng hóa của huyện Bảo Yên đã giảm hơn một nửa so với năm 2020.
Thu hái xong lứa chè cuối năm, gia đình anh Triệu Xuân Ánh chuyển sang chăm sóc cây mắc ca. Cuối năm trước, khi dự án trồng cây mắc ca xen trong nương chè được triển khai tại địa phương, anh Ánh được hướng dẫn trồng cây đúng mật độ, để sau này mắc ca vừa che bóng, vừa cho thu nhập quả, nhưng vẫn đảm bảo chè được hái búp hằng năm. Anh Triệu Xuân Ánh, bản Nhàm, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên chia sẻ: “Đến bây giờ chưa có ý định thay thế nương chè bằng cây khác. Đến tháng 12 bắt đầu đốn chè, đến tháng Giêng thì bón phân, tháng 2, tháng 3 bắt đầu vào chè vụ xuân”.
Thông qua các dự án, nông dân các xã trên địa bàn huyện Bảo Yên được hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc chè. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong xuất khẩu nên doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chưa thanh toán hết tiền mua chè cho nông dân một số xã. Ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp tìm hướng tháo gỡ, để người dân yên tâm gắn bó với cây trồng chủ lực của tỉnh. Bà Triệu Thị Cầu, bản Nhàm, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên chia sẻ: “Không có ý định bỏ chè, vì từ lúc tôi cấy chè cũng được cải thiện đời sống của gia đình. Cũng có nợ nhưng đến cuối năm thì thanh toán cho bà con chúng tôi”.
Để duy trì được vùng chè hàng hóa thì những khó khăn về đầu ra sản phẩm cần phải nhanh chóng được tháo gỡ.
Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên chia sẻ: “Xã cũng tính đến yêu cầu nhà máy chè cung cấp thêm giống để bà con mở rộng diện tích. Số tiền nợ có thể 1 phần trả, 1 phần trả thành phân, giống để cây chè chất lượng cao hơn”.
Trong tháng này, nông dân sẽ thực hiện đốn chè và bước vào chăm sóc. Việc đồng hành, hỗ trợ bà con kinh phí để mua phân bón cho chè, cũng như vấn đề đầu ra cho sản phẩm được cơ quan chuyên môn quan tâm giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên chia sẻ: “Huyện họp bàn với công ty và các xã trong vùng chè để bàn giải pháp. Nếu công ty không thanh toán khoản nợ cũ thì huyện sẽ đề nghị một đơn vị khác vào thu mua sản phẩm cho nông dân”.
Kết thúc vụ sản xuất năm 2024, nông dân Bảo Yên thu hoạch được 1.800 tấn chè búp tươi, giá bán từ 6.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại, mang về nguồn thu hơn 30 tỷ đồng. Để duy trì được vùng chè hàng hóa thì những khó khăn về đầu ra sản phẩm cần phải nhanh chóng được tháo gỡ. Chỉ có như vậy thì người dân mới yên tâm gắn bó với cây chè - một trong những cây trồng chủ lực, được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Ngọc Hà - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết