Bát Xát phát triển cây ăn quả nhiệt đới

19:30 24-06-2021 | :723

Laocaitv.vn - Đưa cây trồng lâu năm vào thay thế những diện tích đất trồng ngô, đất vườn tạp đang được nhiều địa phương thực hiện. Đối với những diện tích đất này, huyện Bát Xát tập trung chuyển sang trồng cây ăn quả nhiệt đới. Khi đó, nông dân chỉ cần xuống giống trồng một lần, thực hiện chăm sóc hằng năm và có thu nhập đến cả chục năm.

Cách đây 4 năm, anh Tẩn Phù Lùng ở thôn Tùng Sáng, xã A Mú Sung đã quyết định đưa giống mít Thái Lan vào trồng thử nghiệm trên mảnh nương đã trồng sắn. Cây giống được ghép mắt nên chỉ năm thứ 3 đã cho quả bói. Với việc chủ động chuyển đổi cây trồng, giúp nâng cao thu nhập, những nông dân như anh Lùng đang giúp cho thôn Tùng Sáng trở nên giàu có hơn. Theo chia sẻ của anh Tẩn Phù Lùng, giá bán loại mít này lên đến 30.000 - 40.000 đồng/kg, vì vậy gia đình anh dự định sẽ mở rộng diện tích trồng giống mít Thái Lan.

Anh Tẩn Phù Lùng đang chăm sóc cho những gốc mít Thái của gia đình.

Tại thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, một nhóm nông dân đã trồng xoài thành công trên quy mô khoảng 2 ha liền vùng. Đã 5 năm xuống giống, hiện đang là mùa thu hoạch quả thứ 2. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ít người mua, giá bán có xuống thấp hơn, nhưng việc trồng xoài của gia đình ông Ly Seo Pả trên diện tích trồng sắn trước đây đang cho thu nhập khá. Quả xoài chín cũng đúng thời điểm Lào Cai có ca bệnh Covid-19, việc tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn. Phương án được ông Ly Seo Pả đưa ra đó là hạ giá bán. “Do dịch Covid-19 nên người dân vào mua không nhiều, giá bán lẻ là 10.000 đồng/kg, nhưng mua cả nương thì chỉ 7.000 đồng/kg”, ông Ly Seo Pả cho biết thêm.

Huyện Bát Xát đang phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển cây ăn quả nhiệt đới với quy mô lên đến cả trăm ha trong năm 2021. Mục tiêu đặt ra là phải xây dựng thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung tại các xã: Nậm Chạc, Trịnh Tường, A Mú Sung và có liên kết tiêu thụ.

Ông Nguyễn Quang Bình, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết thêm: “Huyện sẽ họp Nhân dân, đề xuất các nhóm mô hình đồng sở thích. Hình thành mối liên kết, hợp tác giữa Nhân dân, doanh nghiệp và chính quyền, đảm bảo các mô hình triển khai trên địa bàn không dừng lại ở thí điểm mà trở thành vùng liên kết làm kinh tế tập thể”.

Cùng với cây ăn quả ôn đới, dược liệu, vùng rau, huyện Bát Xát đang nỗ lực xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, quy mô lớn và có liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là cách để địa phương có thể thực hiện mục tiêu giảm nghèo hằng năm từ 5 đến 6%.

Bài, ảnh: Ngọc Hà - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết