Laocaitv.vn - Sở hữu những bài thuốc quý, đồng bào Dao đỏ ở Tả Phìn, thị xã Sa Pa đã biến "Di sản thành tài sản" khi phát triển dịch vụ tắm lá thuốc. "Cả làng làm thuốc tắm", phương thuốc bí truyền đang trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn ở Sa Pa, giúp bà con có nhiều việc làm, nâng cao thu nhập.
Người dân có thu nhập ổn định khi làm việc tại các hợp tác xã sản xuất dược liệu.
3 năm nay, Chảo Mùi Nảy vào làm việc tại HTX Sa Pa Secrets. Với mức lương ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, Mùi Nảy đảm bảo được cuộc sống, hơn hết, cô học hỏi, tích lũy được những kinh nghiệm trong làm dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ. "Từ lúc em làm ở đây thấy công việc ổn định, thu nhập ổn định, không cần phải lên nương, lên ruộng. Làm ở đây thì có thu nhập ổn định để trang trải cho gia đình", chị Chảo Mùi Nảy, thôn Lủ Khấu, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa chia sẻ.
Tả Phìn hiện được coi là "thủ thủ" của dịch vụ tắm lá thuốc, chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp từ các bài thuốc gia truyền của người Dao đỏ. Toàn xã có trên 70 cơ sở kinh doanh các sản phẩm du lịch cộng đồng, homestay và 5 doanh nghiệp hợp tác xã đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Người dân Tả Phìn, ngoài những hộ trực tiếp mở dịch vụ, còn có 50 hộ làm việc toàn thời gian, 270 hộ làm việc thời vụ tại các cơ sở. "Khi làm việc với bà, con tôi nhận thấy bà con rất chăm chỉ, nhiệt tình, cầu tiến làm việc nhanh nhẹn. Trong quá trình làm mới chỉ được 5 năm thôi, nhưng cũng đã tạo ra được nhiều sản phẩm và được thị trường đón nhận", chị Trần Anh Xuân, Giám đốc HTX Sa Pa Secrets cho hay.
Cùng với khai thác, bảo tồn các loài dược liệu để làm thuốc tắm và chế biến ra các sản phẩm khác, xã Tả Phìn cũng đang phát triển thêm một số dược liệu khác, như cây tía tô với hơn 10 ha. Từ năm 2021 đến nay, các công ty, hợp tác xã trên địa bàn thị xã Sa Pa đã hoàn thiện và sản xuất thêm 15 sản phẩm từ cây tía tô, cây tắm lá thuốc. "Theo tinh thần Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thì cấp uỷ, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân sẽ tiếp tục bám sát vào việc thúc đẩy và phát triển vùng nguyên liệu. Thứ hai, là chuẩn hoá, tiêu chuẩn hoá chất lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ. Thứ ba, là tiếp cận, mở rộng thị trường", ông Đỗ Minh Trí, Bí thư Đảng uỷ xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa nói.
Toàn xã Tả Phìn có trên 70 cơ sở kinh doanh các sản phẩm du lịch cộng đồng.
Khai thác, phát triển dược liệu ở Tả Phìn không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động của địa phương thông qua phát huy giá trị truyền thống, biến "Di sản thành tài sản", mà còn góp phần duy trì, nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới ở Tả Phìn.
Ngọc Minh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết