Các mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Si Ma Cai

21:43 12-11-2023 | :447

Laocaitv.vn - Khai thác lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn lao động dồi dào, huyện Si Ma Cai đã hình thành khá rõ nét những cây trồng, vật nuôi chủ lực, tạo sản phẩm hàng hóa, tăng giá trị thu nhập, thiết thực giảm nghèo bền vững cho Nhân dân.

 

Nhiều hộ gia đình ở xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai đã thoát được nghèo nhờ nuôi trâu, bò.

9 năm qua, trên 200 hộ dân trong xã Bản Mế đầu tư nuôi trâu bò sinh sản nhờ được hưởng lợi từ Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy; nhiều hộ còn đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo với số lượng lớn, tạo việc làm, gia tăng thu nhập. Hướng đi này đưa tổng đàn trâu bò của Bản Mế lên trên 1.400 con - lớn nhất huyện. Chị Lèng Thị Đơn, thôn Bản Mế, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Nuôi trâu, bò nếu chú ý chăm sóc thì rất ít bị bệnh, mà khi bán cũng được giá. Mấy năm trước, gia đình cũng đã thoát được nghèo nhờ nuôi trâu, bò. Mỗi năm trừ đi các chi phí thì gia đình cũng thu về gần trăm triệu đồng từ bán trâu, bò”.

Cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc, thời gian qua, Si Ma Cai đã phát triển thành công các mô hình trồng cây dược liệu quý: tam thất, đương quy. Mới đây, huyện thử nghiệm trồng 2 ha cây cát cánh tại xã Sán Chải và sắp được thu hoạch. Đánh giá ban đầu cho thấy chất lượng củ tốt, hàm lượng dược liệu cao và đã có doanh nghiệp ký kết bao tiêu toàn bộ sản lượng. Ông Lê Thanh Nghị, Chủ tịch UBND xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai nói: “Xã cũng tăng cường vận động bà con thực hiện tốt các khâu chăm sóc, cũng như thu hoạch, làm sao đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho các đơn vị đến thu mua, đảm bảo mẫu mã hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản trên địa bàn, tăng thu nhập cho bà con”.

Si Ma Cai đã phát triển thành công các mô hình trồng cây dược liệu quý: tam thất, đương quy.

Si Ma Cai đã xác định được các cây, con chủ lực là: cây lê, mận, dược liệu và trâu, bò, lợn đen. Từ đó, tập trung hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vốn và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm. Hiện, các mô hình cây trồng chủ lực đạt thu nhập từ 70 -120 triệu đồng/ha/năm. Trên 1.200 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ trâu, bò sinh sản, tạo nguồn thu hàng trăm tỷ đồng.

Huyện Si Ma Cai tích cực hỗ trợ Nhân dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với làm dịch vụ.

Ông Thào Seo Lừ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: “Nâng cao chất lượng sản phẩm đặc biệt là công nghệ cao, tuyên truyền cho Nhân dân để chúng ta làm về các sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao. Chúng tôi không mong muốn làm nhiều, ít nhưng chất lượng cao, để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao cùng tham gia”.

Là một trong những huyện nghèo của cả nước, với những nỗ lực xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của Si Ma Cai đạt gần 8%/năm. Nhưng với trên 40% hộ thuộc diện nghèo, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; khuyến khích, hỗ trợ Nhân dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với làm dịch vụ, nâng cao thu nhập, hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững./.

Thế Long - Lương Mạnh

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết