Cần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững ở Bát Xát

18:37 11-09-2019 | :1068

Laocaitv.vn - Là địa phương vùng cao của tỉnh Lào Cai, sau nhiều năm thực hiện chuyển dịch sản xuất, xây dựng nông thôn mới, huyện Bát Xát hiện có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là 18,5%. Để đạt được mức giảm nghèo bình quân mỗi năm 6,5%, huyện Bát Xát đã triển khai khá thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giúp đời sống kinh tế, xã hội của người dân vùng cao ở địa phương này được cải thiện, nâng cao. 

Huyện Bát Xát hiện có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là 18,5%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, huyện Bát Xát đã triển khai Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giai đoạn 2015 - 2020. Nhờ vậy, đến hết năm 2018, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt gần 47.000 tấn, đảm bảo tốt an ninh và an toàn lương thực trên địa bàn, cải thiện và nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân. Giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác ước đạt 63 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến thời điểm này chỉ còn 18,5%, giảm 25,6% so với gần 04 năm trước. Để có được kết quả nổi bật trên, huyện Bát Xát đã đưa ra 06 giải pháp để chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện. Trong đó chú trọng việc rà soát các chỉ tiêu đạt thấp và còn hạn chế để ưu tiên đầu tư nguồn lực; quan tâm đặc biệt tới vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số và vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời triển khai quyết liệt Đề án số 01 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2016 - 2020”. Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát cho biết: "Chúng tôi tập trung cho sản xuất cây lúa, cây ngô để chủ động, đảm bảo an ninh lương thực và tập trung phát triển các loại cây ăn quả, cây dược liệu, mở rộng chăn nuôi để tạo cho huyện nền nông nghiệp phát triển toàn diện".

Theo hướng đi này, đến nay, trên địa bàn huyện Bát Xát đã hình thành các vùng nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao như vùng lúa chất lượng cao, vùng lúa giống, vùng chè, cây dược liệu, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 628 ha. Trong đó, một số mô hình cho kết quả vượt trội như mô hình trồng dưa lưới tại các xã Quang Kim, Bản Qua, Cốc San cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau trái vụ tại các xã Trịnh Tường, Y Tý cho thu nhập trên 140 triệu đồng/ha; mô hình trồng một số cây đặc sản như măng tây, dưa lê, bí cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha..., riêng xã Mường Vi, tổng diện tích gieo cấy mỗi vụ của xã trên dưới 160 ha thì hầu hết là cấy lúa đặc sản Séng cù. Mỗi năm, xã bán ra thị trường khoảng 1.500 tấn thóc đặc sản, thu hàng chục tỷ đồng, đây chính là nguồn thu quan trọng để Mường Vi đạt tiêu chí thu nhập và giảm hộ nghèo. Về hiệu quả của mô hình cánh đồng 01 giống chuyên cấy giống lúa đặc sản Séng cù, ông Chảo Láo Lở, thôn Giao, xã Mường Vi cho biết: "Cấy lúa Séng cù thì năng suất cũng như các giống lúa khác, nhưng giá cả thì bán được nhiều tiền hơn. Nếu mà lúa đẹp, lại phơi được nắng thì bán rất dễ".

Toàn huyện Bát Xát hiện còn tới 08 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%.

Đối với những xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm quá nửa dân số, như Ngải Thầu, Y Tý, Dền Thàng, A Lù..., thì ngoài việc tìm tòi đưa các cây trồng tăng vụ vào sản xuất, nhằm tăng hệ số sử dụng đất, huyện kiến nghị tỉnh nghiên cứu, có cơ chế đặc thù để xoá đói, giảm nghèo cho bà con. Đã có hàng loạt dự án được triển khai ở những xã đặc biệt khó khăn này nhằm khai thác lợi thế về đất đai, khí hậu vùng cao, như dự án trồng cây ôn đới với diện tích hiện có 175 ha cây lê VH6, hay thí điểm 25 ha cây đào Pháp; dự án phát triển vùng cây dược liệu với tổng diện tích 380 ha, tại 06 xã: Nậm Pung, Pa Cheo, Y Tý, A Mú Sung, Trịnh Tường, A Lù; mô hình trồng rau trái vụ tại Trịnh Tường, Y Tý hay trồng măng tây, dưa lê, bí tại một số xã vùng thấp... Đa phần các mô hình được thực hiện doanh nghiệp thuê đất của dân, rồi thuê luôn các hộ dân làm công. Tính ra, người dân vừa có thu nhập từ cho thuê đất, vừa có thu nhập từ làm công lao động và lại học hỏi được kỹ thuật canh tác. Như thế, chỉ sau một số vụ, bà con đã thành thục kỹ thuật, có thể tự đứng ra sản xuất... Về chăn nuôi, huyện xúc tiến việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hóa ở 02 xã Sàng Ma Sáo và Ngải Thầu; dự án nuôi trâu sinh sản tại xã Dền Thàng; khuyến khích phát triển các trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi tập trung, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. 280 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và trên 18.500 m3 bồn bể nuôi cá nước lạnh cũng được huyện chỉ đạo người dân tập trung sản xuất hướng thâm canh với các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, như cá tầm, cá hồi ở các xã vùng cao; cá chép giòn, cá bỗng, cá trắm đen những xã vùng thấp như Cốc San, Quang Kim, Bản Qua và Bản Vược... Hướng quy hoạch phát triển chắn nuôi theo vùng này đã giúp người dân, đặc biệt là đồng bào tại các khu vực vùng cao của huyện có thêm hướng làm ăn mới, giảm nghèo hiệu quả. Đơn cử như dự án hỗ trợ đàn ngựa cho nhân dân 04 xã vùng cao: Sàng Ma Sáo, Ngải Thầu, A Lù, Cốc Mỳ vào năm 2018, đến nay đàn ngựa đã phát triển tăng thêm 82 con trên tổng đàn hơn 300 con. Đặc biệt từ thành công của dự án đã tạo ra động lực và niềm tin để chính quyền các xã mạnh dạn, chủ động nghiên cứu tìm ra các hướng đi mới thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Ông Ly Giờ Có, Bí thư Đảng ủy xã Ngải Thầu cho biết: "Hiện nay đàn ngựa của dự án đang phát triển tốt và sinh lời. Xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra cho các hộ khác, cho họ vay vốn để mua giống về để phát triển đàn ngựa. Khí hậu ở đây cũng khá thuận lợi, đất đai rộng nên không chỉ phát triển chăn nuôi, chúng tôi chỉ đạo nhân dân phát triển cây dược liệu, cây vụ đông. Hiện nay chúng tôi đang xin giống cây atiso cho các hộ gia đình trồng để phát triển kinh tế".

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tập trung xây dựng vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị, hiệu quả của sản xuất, hướng đi này đã giúp huyện Bát Xát triển khai khá hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững qua từng năm. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nếu xét ở từng khu vực, thì tỷ lệ hộ nghèo của các xã trên địa bàn toàn huyện Bát Xát vẫn còn sự khác biệt khá lớn, đơn cử như xã Quang Kim, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chưa đầy 5%, nhưng toàn huyện còn tới 08 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Con số này đặt ra cho huyện Bát Xát những vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo một cách bền vững trong thời gian tới, giúp đời sống người dân vùng cao ngày càng được cải thiện, nâng cao./.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết