Cần giải pháp để phát triển bền vững cây sa nhân tím

15:10 12-08-2019 | :1248

Laocaitv.vn - Trong thời gian qua, người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chủ động tìm tòi những hướng phát triển kinh tế mới, đưa các giống cây, con mới vào nuôi trồng, để xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống và bước đầu đã thu được hiệu quả tích cực. Sa nhân tím là một trong những cây trồng mới đang được trồng phổ biến tại một số địa phương vùng cao Lào Cai, được kỳ vọng sẽ giúp bà con thoát nghèo. Vậy nhưng làm thế nào để loại cây trồng này có hiệu quả kinh tế thật sự bền vững? Đây là bài toán đặt ra cho các địa phương trong định hướng phát triển kinh tế.

Diện tích trồng sa nhân tím ở Mường Khương đã tăng lên nhanh chóng

Những nương sa nhân đã mang lại ấm no cho bà con nhân dân thôn Cán Hồ A, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương. Cách đây vài năm, những hộ gia đình đầu tiên ở thôn đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây sa nhân và gần như thu được thành công ngay từ những vụ đầu tiên. Đến nay, cả thôn hơn 40 hộ đều trồng cây sa nhân tím, mỗi nhà vài trăm gốc và người dân đặt nhiều niềm tin vào loại cây trồng này. Ông Vàng Chính Sì, Trưởng thôn Cán Hồ A, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương cho biết: "Bây giờ trồng ngô thì khó bán, trồng thóc cũng không có ai mua thì mình trồng cây sa nhân để cải thiện kinh tế. Những năm đầu bán được 60 - 70 nhân dân tệ/kg, năm trước thì được 40 nhân dân tệ/kg, như nhà anh trai mình bán sa nhân cũng thu được vài trăm triệu đồng".

Từ giá trị kinh tế mang lại, sa nhân tím đang là loại cây giảm nghèo chủ lực của người dân Mường Khương. Cũng như rất nhiều địa phương khác của vùng cao Lào Cai, diện tích trồng sa nhân tím đã tăng lên nhanh chóng, không chỉ trồng sa nhân trên nương, trên đồi, một số hộ còn dành cả đất ruộng để trồng loại cây này. Năm nay sa nhân tím được mùa, vậy nhưng hy vọng lại đi kèm với nỗi thấp thỏm lo âu. Chị Thào Thị Lan, thôn Tả Chư Phùng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương chia sẻ: "Mấy năm trước thì nghe nói được giá lắm, nhưng lúc ấy nhà mình lại chưa được thu, năm nay được bán rồi, thì lại lo, vì chả biết giá cả như thế nào và hơn nữa là chả biết bán vào đâu, nếu bên Trung Quốc mà không thu mua nữa".

Anh Giàng Seo Sú, thôn Bản Phố, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương cho biết: "Tôi cũng tuyên truyền với bà con là chỉ trồng ở rừng thôi, còn ruộng nương thì phải trồng ngô, lúa để lấy cái ăn, chứ trồng hết đến lúc không bán được thì chẳng có gì ăn. Trên này mọi người đi làm bên Trung quốc thấy họ mua thì cũng mang về trồng, bây giờ mà họ không thu nữa thì cũng lo".

Năm nay sa nhân tím được mùa, vậy nhưng hy vọng lại đi kèm với nỗi thấp thỏm lo âu của bà con.

Không thể phủ nhận, cây sa nhân tím đang mang lại giá trị kinh tế lớn, làm thay đổi tích cực cho cuộc sống của bà con nhân dân vùng cao. Tuy nhiên, hiện tại, chủ yếu cây sa nhân sau khi thu hoạch sẽ được bán cho các thương lái Trung Quốc, việc kết nối thị trường trong nước với các đơn vị doanh nghiệp thu mua vẫn chưa được phổ biến. Đầu ra chưa đảm bảo sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển bền vững loại cây trồng này. Ông Sền Quang Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương cho biết: "Trước đây giá cây sa nhân được hơn 200.000 đồng/kg, bây giờ chỉ còn có hơn 100.000 đồng/kg. Xã kiến nghị với các cấp, mong muốn kết nối với các công ty dược trong nước đứng ra thu mua loại cây trồng này để đảm bảo phát triển bền vững. Xã cũng khuyến cáo bà con trồng với diện tích vừa phải, vì trước đây ít thì được giá, chứ trồng nhiều lại bị ép giá".

Nông sản được mùa – mất giá, câu chuyện buồn của ngành Nông nghiệp vẫn diễn ra hàng ngày. Đối với cây sa nhân, để tránh tình trạng này, cần có sự vào cuộc của các ban ngành, địa phương trong việc khoanh vùng phát triển và kết nối thị trường. Việc thực hiện các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cũng là giải pháp tốt để khắc phục những hạn chế về chất lượng sản phẩm, yếu kém trong khâu thị trường, giúp sa nhân trở thành loại cây giảm nghèo bền vững.

 Thu Hường – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết