Cần quản lý chặt chẽ việc trồng cây thảo quả trong rừng đặc dụng

09:13 26-06-2020 | :1650

Laocaitv.vn - Thảo quả là loại cây dược liệu sống dưới tán rừng, cũng là cây trồng truyền thống gắn bó lâu đời với đồng bào vùng cao Lào Cai. Diện tích cây thảo quả toàn tỉnh lên tới gần 12.500 ha, với lợi ích kinh tế loại cây này mang lại, trước đây người dân tích cực giữ rừng để sản xuất thảo quả. Tuy nhiên, do thảo quả được trồng dưới tán rừng nên nhiều thảm thực vật cũng biến mất, dẫn đến nguy cơ suy thoái và mất rừng. Vì vậy, thời gian qua nhiều địa phương đã triển khai biện pháp tăng cường quản lý sản xuất thảo quả, hạn chế xâm hại rừng.

Hoa đỗ quyên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát nổi tiếng với vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học phong phú. Dưới tán cây cổ thụ nghìn năm tuổi là những vạt cây thảo quả lên tới hàng nghìn ha. Vì loại cây này mà các loại cây non không thể sinh sôi, nguy cơ mất rừng hiện hữu khi những cây cổ thụ chết đi, nếu không có biện pháp bảo vệ hiệu quả. Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Bát Xát cho biết: “Cây thảo quả mang lại giá trị kinh tế cho người dân đã được khẳng định từ lâu rồi, nhưng sẽ làm giảm đa dạng sinh học. Trước mắt thì chưa thấy tác động nhiều, nhưng về lâu dài sẽ làm mất đi các tầng cây thấp, cây trung bình, cây cao sẽ già đi và chết. Rừng già thì không có khả năng tái sinh, các hoạt động trong rừng sẽ làm giảm đi các hệ động, thực vật. Nhất là động vật, vì có các hoạt động của người dân nên các loài động vật sẽ di chuyển đi nơi khác”.

Cây thảo quả mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng lại là cây làm mất khả năng tái sinh của rừng

Với tổng diện tích lên tới 4.260 ha, Bát Xát là huyện có diện tích cây thảo quả lớn nhất toàn tỉnh. Vì vậy, công tác quản lý trồng, thu hoạch thảo quả được địa phương này hết sức quan tâm bằng những việc làm thiết thực. Trong đó, chú trọng thực hiện các quy định không chặt phá cây non tại nơi canh tác, không để phát sinh thêm diện tích cây thảo quả mới. Ông Lý Láo San, Phó Chủ tịch UBND xã Dền Sáng, huyện Bát Xát cho biết: “Trước hết phải tuyên truyền cho người dân hiểu khi phát cây ở dưới tán rừng phải giữ lại các loại cây con đang mọc. Chúng tôi cũng định hướng cho bà con trong xã chuyển sang trồng những loại cây trồng cho năng suất cao, như cây lúa séng cù…”.

Thực tế thảo quả vẫn là cây trồng quan trọng, mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho người dân. Vì lợi ích cây thảo quả đem lại, nhiều người dân vẫn lén lút chặt phá cây non trong vùng sản xuất. Việc trồng cây thảo quả càng kéo dài thì nguy cơ mất rừng càng cao. Do vậy, rất cần thiết phải loại bỏ việc canh tác thảo quả ra khỏi rừng tự nhiên. Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Bát Xát cho biết thêm: “Tới đây, chúng tôi đề xuất điều tra, cắm biển nương thảo quả của từng hộ. Cụ thể, thống kê xem mỗi hộ có bao nhiêu diện tích cây thảo quả, nằm ở vị trí nào, trong nương thảo quả đó có bao nhiêu cây gỗ đường kính từ 8 cm trở lên, đánh số và ký cam kết với chủ hộ để họ quản lý”.

Ngoài việc tuyên truyền thì cũng cần hỗ trợ để người dân chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi hiệu quả hơn.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành Kiểm lâm cũng tham mưu cho huyện Bát Xát xây dựng phương án quản lý cây thảo quả đến năm 2030. Mục tiêu hướng đến là quản lý tốt và phục hồi rừng khu vực canh tác thảo quả đang bị suy thoái, từng bước di chuyển và xóa bỏ hoàn toàn diện tích trồng cây thảo quả ra khỏi rừng tự nhiên đặc dụng, phòng hộ xung yếu. Huyện Bát Xát sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng tạo công ăn, việc làm, hỗ trợ cho các hộ gia đình chuyển đổi sang trồng cây dược liệu khác./.

Thế Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết