Câu chuyện lập nghiệp của ông chủ xưởng ván dán lớn nhất huyện Bảo Thắng

14:34 21-07-2018 | :1423

Laocaitv.vn - Mới 34 tuổi nhưng đã trở thành ông chủ của cơ sở sản xuất ván bóc lớn nhất nhì huyện Bảo Thắng với doanh thu hơn 20 tỷ đồng mỗi năm. Đó là anh Trần Văn Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Hưng Tấn, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Tốt nghiệp ngành kỹ sư cầu đường, thế nhưng anh Trần Văn Xuyên lại quyết định ở nhà khởi nghiệp thay vì tiếp tục theo đuổi lĩnh vực mà mình đã mất 5 năm theo học. Quyết định này cũng đã vấp phải sự phản đối từ phía gia đình và bạn bè. Thế nhưng với tính cách quyết đoán, dám nghĩ, dám làm nên không ai có thể ngăn được anh. Nhận thấy tiềm năng rừng của địa phương là rất lớn, sau khi đi học hỏi một số mô hình sản xuất gỗ bóc ở địa phương khác, anh Xuyên mạnh dạn vay tiền từ gia đình mở xưởng tại nhà. Khởi nghiệp từ năm 2010 từ một xưởng gỗ bóc quy mô nhỏ chủ yếu phục vụ nguồn nguyên liệu tại gia đình và một số hộ trong xã. Vừa làm vừa mở rộng quy mô, luôn coi trọng chữ tín, nên xưởng gỗ bóc của anh Xuyên ngày càng phát triển. Năm 2015, nhận thấy công việc sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh với nhiều xưởng ván bóc trên địa bàn, trong khi đó nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ngày càng eo hẹp. Anh Xuyên quyết định đầu tư máy móc thiết bị chuyển sang sản xuất ván dán và trở thành cơ sở đầu tiên tại huyện Bảo Thắng phát triển ở lĩnh vực này và sau gần 3 năm theo đuổi đã vượt xa với những gì anh kỳ vọng.

Anh Trần Văn Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH XDTM Hưng Tấn, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Trung Kiên)

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ván dán, anh Xuyên còn tiến hành thu mua lại ván bóc từ các xưởng sản xuất lâm sản khác trên địa bàn. Mỗi năm, doanh nghiệp của ông chủ 8X này sản xuất được 5 nghìn khối ván dán, không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, đem lại giá trị kinh tế  trên 2 tỷ đồng/năm. Hiện, xưởng gỗ bóc của anh Xuyên tạo công ăn việc làm ổn định cho trên dưới 100 lao động chủ yếu là người địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Không bằng lòng với những gì mình đã có, chàng trai  quê hương Phú Nhuận mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô, tập trung chế biến sâu những sản phẩm từ lâm sản. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là anh chưa xin giấy phép chứng nhận đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất.

Biêt tận dụng lợi thế của địa phương, với khát khao làm giàu anh Xuyên đã thành công trên con đường đã chọn. Câu chuyện khởi nghiệp của anh chàng thanh niên này không phải là mới, song mô hình phát triển kinh tế này vừa cho thu nhập ổn định, vừa đảm bảo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân tại địa phương. Ngoài ra, nó còn khuyến khích nhân dân tích cực trồng rừng, vươn lên làm giàu ngay chính quê hương của mình.

Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết