Laocaitv.vn - Hương vị chè Tuyết San ở Bản Liền (Bắc Hà) từng nức tiếng khắp vùng và từng được kỳ vọng là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Tuy nhiên cây chè cũng trải qua không ít thăng trầm khi bà con đua nhau chặt phá do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nhưng giờ đây nhờ mô hình liên kết giữa nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp, cây chè Tuyết San đang dần khẳng định lại thương hiệu của mình, đem lại nhiều tín hiệu lạc quan về một cây thoát nghèo bền vững nơi vùng cao của huyện Bắc Hà.
Những ngày này, anh Vàng A Lơi, thôn đội 3, xã Bản Liền huyện Bắc Hà vẫn miệt mài lên nương hái từng búp chè. Đã từ nhiều năm nay, cây chè là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình chị và nhiều hộ dân trong xã. Trên diện tích 5 sào ngô trước đây được anh chuyển sang trồng chè và kết quả là cây trồng này cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Đầu ra ổn định, giá bán lại cao, khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương là lý do người dân khá mặn mà với cây chè trong những năm qua.
Đồi chè anh Vàng A Lơi, thôn đội 3, xã Bản Liền huyện Bắc Hà. (Ảnh: Trung Kiên)
Nhận thấy Bản Liền có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển cây chè, một doanh nghiệp đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất chè sạch hữu cơ hiện đại theo tiêu chuẩn Vietgap. Sản phẩm chè của doanh nghiệp này chủ yếu là để xuất khẩu đi một số nước châu Á và luôn trong tình trạng cung ít hơn cầu. Được biết để người dân tiếp cận với quy trình sản xuất chè an toàn ban đầu cũng rất khó khăn, tuy nhiên với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, trong tuyên truyền vận động, đặc biệt là vấn đề đầu ra cho sản xuất tốt hơn, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, bà con được doanh nghiệp cung ứng giống, hỗ trợ xây hố phân hữu cơ và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Về phía người dân cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng và chăm sóc cây chè từ việc đốn, tỉa, bón phân cho đến khâu thu hái để sản phẩm cuối cùng phải đảm bảo sạch, chất lượng cao theo tiêu chuẩn Vietgap.
Hiện toàn xã Bản Liền, huyện Bắc Hà có gần 400 ha chè Tuyết San. Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc HTX chè Bản Liền cho biết: "Để xây dựng thành công được thương hiệu chè Bản Liền không phải dễ dàng. Nếu người nông dân quên, hoặc vô tình trồng các cây lương thực khác vào nương chè là thương hiệu sẽ bị mất. Đặc biệt, trong quá trình trồng chè, bà con bắt buộc tuân thủ quy trình sản xuất chè từ khâu chọn giống, bón phân, cắt tỉa đến khâu thu hoạch". Trước những giá trị mà cây trồng này đem lại, chủ trương của xã là tiếp tục vận động người dân phát triển cây trồng này bằng việc trồng tăng mật độ chè trên diện tích đang có. Sau hơn 5 năm gắn bó với cây chè, đến nay HTX chè Bản Liền đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường và đang hứa hẹn nhiều tín hiệu lạc quan từ cây chè đem lại.
Có thể nói, việc phát triển chè theo tiêu chuẩn VietGap đã góp phần thay đổi rõ rệt nhận thức của mỗi hộ dân ở Bản Liền, mang lại những hiệu quả tích cực, sản lượng và chất lượng chè được nâng lên đáng kể. Cùng với đó, thu nhập của người dân cũng được cải thiện. Người dân và doanh nghiệp ở đây tin tưởng rằng, thời gian tới hương vị đặc trưng của chè Bản Liền đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trung Kiên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Danh sách bình luận
Diệp 5 năm trước