Laocaitv.vn - Quý I năm 2018, trên địa bàn tỉnh Lào Cai không phát sinh những ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, song những bệnh thông thường như viêm phổi, tiêu chảy trên đàn lợn, phân xanh, phân trắng trên đàn gia cầm thả vườn, bên ký sinh trùng xảy ra rải rác trên đàn vật nuôi.
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời điểm tháng 4, 5 là lúc người chăn nuôi thường tái đàn, đây cũng là thời điểm chuyển mùa từ nền nhiệt độ thấp, sang nền nhiệt độ cao, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, đặc biệt đối với gia súc, gia cầm nhỏ. Nhiệt độ trong không khí cao làm cho một số loại vi rút, vi khuẩn ưa ấm phát triển. Vì vậy dễ phát sinh những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho vật nuôi, như: Bệnh dại, bệnh tai xanh, bệnh dịch tả lợn, cúm gia cầm…
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng vắc xin để phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn vật nuôi. Trong đó, người chăn nuôi cần chú ý tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan Thú y, hoặc nhà sản xuất như: Tiêm phòng bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng trên trâu, bò. Tiêm phòng với bệnh Dịch tả, Tụ huyết trùng, Tai xanh cho đàn lợn; Tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm cho đàn gia cầm; Tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó. Ngoài các loại vắc xin được Nhà nước hỗ trợ, người chăn nuôi nên chủ động mua vắc xin để tiêm phòng bệnh Niu cát xơn, tụ huyết trùng, gum bo ro cho đàn gia cầm; đối với đàn lợn tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, E.coli sưng phù đầu, viêm ruột tiêu chảy, bệnh ho suyễn và 3 bệnh viêm phổi phức hợp, phổi dính sườn. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân nên áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, cho ăn, uống đầy đủ, khẩu phần ăn cân đối đủ chất dinh dưỡng, nuôi nhốt đúng mật độ; áp dụng các biện pháp phòng chống nắng nóng cho đàn gia cầm, đàn lợn và bổ sung thêm các vitamin, chất bổ trợ để tăng cường, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; vệ sinh, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại hạn chế người ra, vào khu vực chăn nuôi. Định kỳ phun hóa chất khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi bằng Benkocid, Iodine... theo hướng dẫn của nhà sản xuất, hoặc có thể dùng vôi bột để khử trùng; con giống khi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo chất lượng. Thực hiện nuôi cách ly ít nhất 07 ngày để theo dõi dịch bệnh trước khi cho nhập đàn; thường xuyên quan sát, kiểm tra đàn vật nuôi, khi thấy có hiện tượng bất thường cần tách riêng để theo dõi, điều trị. Khai báo ngay với Trưởng thôn, Thú y viên, UBND xã, phường, hoặc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện/TP khi thấy đàn vật nuôi có hiện tượng ốm, chết. Không bán chạy, không vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan, phát tán mầm bệnh, gây ô nhiễm môi trường.
Huyền Trang
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết