Laocaitv.vn - Từ năm 2022 đến nay, dịch tả lợn châu Phi tại Lào Cai đã giảm, chỉ xảy ra một số ổ dịch nhỏ. Tuy nhiên, dịch bệnh đã xuất hiện trở lại và có nguy cơ bùng phát tại một số tỉnh, thành miền Bắc. Để bảo vệ đàn lợn, ngành nông nghiệp đang triển khai đồng bộ các giải pháp theo phương châm phòng hơn chống.
Tại huyện Bảo Thắng, địa phương có đàn lợn thịt chiếm tới 60% tổng đàn của tỉnh, nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, hầu hết các hộ chăn nuôi đã chủ động phòng chống.
Nuôi 500 con lợn thịt và lợn nái theo phương pháp nhà lạnh, gia đình ông Nguyễn Văn Hưởng ở thôn Xuân Lý, xã Gia Phú ưu tiên tuyệt đối cho việc quản lý dịch bệnh.
Ông Hưởng cho biết: "Tôi phun khử khuẩn 1 lần/tuần, thời điểm nào mà cảm thấy dịch ở các nơi căng thì có thể 5 ngày phun 1 lần. Nhà tôi làm đại lý đầu tư thức ăn cho Nhân dân thì tôi cũng hỗ trợ cho bà con".
Các hộ chăn nuôi phun khử khuẩn định kỳ để bảo vệ đàn lợn trước tình hình dịch bệnh phức tạp.
Từ năm 2022 đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đã giảm. Tính đến nay, mới phát sinh 1 ổ dịch tại thôn An Thành, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai làm 48 con lợn mắc bệnh đã tiêu hủy. Tuy nhiên, do chưa có vắc xin đặc trị, thêm nữa, dịch đang có xu hướng bùng phát tại một số tỉnh, thành nên nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn là rất cao.
Ông Ngô Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho biết: "Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là vận chuyển lợn giống, lợn thịt mang mầm bệnh từ các địa phương vào địa bàn tỉnh, sau đó làm phát sinh dịch bệnh".
Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ra vào địa bàn cũng là giải pháp để phòng chống dịch bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai chỉ đạo các địa phương sớm hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin đợt 1 trên đàn vật nuôi; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Ông Ngô Tiến Dũng cho biết thêm: "Vấn đề nhập con giống vào phải hết sức cẩn thận; phải có nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Khi nhập về phải thực hiện nuôi cách ly ở một khu vực riêng nhất định. Đặc biệt, đối với dịch bệnh tả lợn châu Phi, chúng tôi vẫn khuyến cáo giải pháp quan trọng nhất là giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học".
Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo hộ chăn nuôi nhỏ lẻ áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống dịch. Chủ động thông báo khi nghi ngờ đàn lợn nhiễm bệnh để kịp thời xử lý. Ngành chuyên môn cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch tại các chợ đầu mối, khu vực trung chuyển gia súc, gia cầm để ngăn chặn, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
An Hồng - Quang Ánh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết