Chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa một vụ

15:47 01-08-2018 | :849

Laocaitv.vn - Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh Lào Cai thực hiện gieo cấy hơn 21.000 ha lúa theo kế hoạch, trong đó diện tích lúa một vụ vùng cao khoảng 11.200 ha. Hiện nay, lúa trà sớm đang ở giai đoạn đòng già – trỗ bông; trà chính vụ đang làm đòng; trà muộn đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng liên tiếp của rãnh áp thấp và hoàn lưu các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết liên tục có mưa và giông trên diện rộng, là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại trên cây lúa. Theo kết quả điều tra tại các huyện, thành phố cho thấy, bệnh đạo ôn đã và đang phát sinh gây hại trên các trà lúa, đặc biệt bệnh hại nặng hơn trên các giống mẫn cảm (BC15, Séng cù, Hương thơm, Bắc thơm, VL 20, nếp…) với tỷ lệ hại phổ biến 5-10% lá, cao 20-30% lá, phân bố chủ yếu tại các huyện Si Ma Cai, Bát Xát, Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà.

Bà con nông dân cần chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa một vụ. (Ảnh minh họa)

Dự báo từ nay đến trung tuần tháng 8 là thời điểm trà lúa sớm và chính vụ vùng cao bước vào giai đoạn trỗ - ngậm sữa, bệnh đạo ôn sẽ phát triển mạnh gây hại trên cổ bông, đặc biệt trong điều kiện thời tiết có mưa liên tục kéo dài, ẩm độ không khí cao. Nếu không chủ động phòng trừ kịp thời, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát triển trên diện rộng và gây thiệt hại nghiêm trọng đến lúa một vụ vùng cao.

Để hạn chế sự phát sinh, gây hại của bệnh đạo ôn cổ bông gây ra, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần triển khai các biện pháp phòng trừ, cụ thể cần tăng cường thăm đồng, khi bệnh đạo ôn chớm xuất hiện cần ngưng ngay việc bón đạm và các loại phân bón kích thích sinh trưởng, duy trì mực nước 3 – 5cm trên ruộng và tiến hành phun phòng trừ bệnh bằng một trong các loại thuốc đặc trị như: Fuji-one 40EC; Fillia 52.5SE; Bankan 600WP, Fu- Army 40EC… Phun phòng bệnh trên toàn bộ diện tích cấy giống mẫn cảm (BC 15, Bắc thơm, Hương thơm, Nếp, Séng cù,VL20...), các vùng thường xuyên có sương mù, ẩm độ cao, các diện tích đã bị nhiễm bệnh đạo ôn trên lá.

Về thời điểm phun phòng đối với trà lúa đã trỗ - ngậm sữa: Khẩn trương phun thuốc phòng trừ ngay để hạn chế bệnh gây hại giai đoạn cuối vụ. Đối với trà lúa chuẩn bị trỗ: Phun lần đầu khi lúa trỗ thấp tho (không quá 5% bông); phun lần thứ 2 khi lúa đã trỗ đều.

Huyền Trang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết