Laocaitv.vn - Những năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng giá trị phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, chương trình khuyến công cũng bộc lộ không ít những bất cập cần được điều chỉnh.
Trong tổng số 147 đề án khuyến công mà Lào Cai đã triển khai thì mới chỉ có 2 đề án hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề
Trong 5 năm, từ năm 2014 đến năm 2018, tổng nguồn vốn khuyến công của trung ương và địa phương đầu tư cho 147 đề án là khoảng 16,5 tỷ đồng. Chia bình quân, thì mỗi đề án chỉ được thụ hưởng chừng hơn 100 triệu đồng từ chính sách khuyến công, hết sức khiêm tốn đối với một mô hình sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Ông Nguyễn Thu Đông, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bảo Yên chia sẻ: "Những doanh nghiệp của Bảo Yên đăng ký đều đã được hỗ trợ, tuy nhiên do nguồn vốn còn hạn chế nên nhiều cơ sở sản xuất có nhu cầu song chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Huyện Bảo Yên đề nghị tỉnh tăng cường thêm cơ chế chính sách, đặc biệt là nguồn vốn giúp các cơ sở sản xuất có nhu cầu đều có thể tiếp cận được".
Một trong những mục tiêu được chương trình khuyến công hướng tới, đó là đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn và đây cũng chính là căn cốt tạo lên sự bền vững trong chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Vậy nhưng, trong tổng số 147 đề án khuyến công mà Lào Cai đã triển khai trong 5 năm qua, mới chỉ có 2 đề án hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề với tổng nguồn kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát xát cho biết: "Chúng tôi cũng mong muốn được tập trung nguồn lực về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tăng số người lao động được qua đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn".
Năm 2019 sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 15%
Bên cạnh những hạn chế về nguồn lực, sự bất cập trong phân bổ các chương trình hỗ trợ thì một số địa phương chưa thực sự chú trọng đến chương trình khuyến công, hoạt động phối hợp giữa các ngành chức năng và cả những người làm khuyến công chưa chặt chẽ. Ông Phan Văn Cương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm để đưa ra một số giải pháp, nâng cao hiệu quả của chính sách khuyến công; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác khuyến công; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục giấy tờ theo hướng quản lý tốt, dễ làm, dễ thực hiện; đề xuất nâng mức hỗ trợ, nhất là với các dự án điểm có tác động lớn, sức lan tỏa rộng như đầu tư cho các cụm công nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp theo chương trình mỗi xã một sản phẩm, chương trinh OCOP, cũng như các sản phẩm có thế mạnh của địa phương".
Năm 2019, hoạt động sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 15% theo hướng tăng tỷ trọng chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao, nhằm gia tăng giá trị của các sản phẩm nông, lâm sản. Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đưa tỷ trọng ngành công nghiệp đạt 35% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu và hoạch định nêu trên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực và góp sức của tất cả các cấp, các ngành, trong đó hoạt động khuyến công cũng cần thêm sự đổi mới.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết