Laocaitv.vn - Hơn 10 năm trước, toàn bộ diện tích đang trồng quế của anh Trần Văn Hải ở thôn Hải Sơn 2, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng hầu như còn là đồi hoang, không lối đi lại, không ai nhìn thấy một tương lai nào có thể mang lại nguồn thu. Vậy nhưng hiện nay diện tích trên 350 ha rừng ở thôn Đầu Cọ đã biến thành rừng quế bạt ngàn, xanh tốt, ít ai có thể hình dung cánh rừng quế này lại là của một hộ gia đình. Nó là thành quả của sự quyết tâm, kiên trì, pha lẫn một chút mạo hiểm của một người đã từng bị coi là "gàn dở" khi bỏ phố về đây, theo đuổi quyết tâm phát triển kinh tế rừng.
Cánh rừng quế của anh Hải được 5 năm tuổi
Nhận thấy cây quế là loại cây có thể mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2009, anh Trần Văn Hải đã dồn hết vốn liếng để đầu tư mua lại gần 900 cây quế tại thôn Đầu Cọ, xã Phú Nhuận. 6 năm sau, anh khai thác đồi quế này và thu lãi hơn 1 tỉ đồng. Sau vụ thu hoạch đầu tiên thắng lợi, anh Hải càng quyết tâm mở rộng vùng trồng, mở hướng làm giàu từ loại cây này. Bằng cách tập trung mọi nguồn lực kinh tế của gia đình, cộng với nguồn vốn hỗ trợ từ dự án trồng rừng sau đầu tư của Nhà nước và vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, gia đình đã đầu tư hàng chục tỉ đồng vào làm đường, thuê nhân công lao động và mua giống quế về trồng trên diện tích trên 350 ha rừng ở thôn Đầu Cọ. Quy mô quá lớn đối với một mô hình kinh tế hộ khiến cho quá trình thực hiện đã gặp phải không ít khó khăn. Nhưng bằng sự nhanh nhạy, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, lại nhận được sự hỗ trợ từ chính sách khuyến khích của tỉnh nên anh đã thành công. Anh Trần Văn Hải, Thôn Hải Sơn 2, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho biết: "Đặc trưng của cây quế cứ trồng 1 ha bình thường là từ 10 đến 15 năm cho thu nhập từ 500 đến 600 triệu, tôi thấy nếu đầu tư trồng như vậy thì hiệu quả rất là lớn, vì vậy từ năm 2015 tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng quế và đây cũng là nguồn nguyên liệu để xưởng sản xuất tinh dầu hoạt động. Tôi thấy khí hậu tại Đầu Cọ quanh năm mát mẻ, khiến cây quế bị hạn chế về chiều cao, nhưng đây lại là điều kiện giúp cây phát triển mạnh bề ngang, cành lá phát tán rộng xum xuê. Cây quế trồng ở đây vỏ dày, nhiều tinh dầu hơn so với quế trồng ở các địa bàn vùng thấp nên cho giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, quế lại là cây tận thu, có thể sử dụng được hết cả thân, cành, lá, khi cây khoảng 5 năm tuổi trở lên là đã có thể tỉa cành, lá để bán cho các cơ sở thu mua ép tinh dầu. Hiện nay hơn 50 vạn cây quế của gia đình đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập rất lớn sau ít năm nữa".
Anh Hải (áo đen) hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây quế
Cơ duyên đưa anh Hải đến với nghề rừng một phần là bởi anh rất đam mê và luôn trăn trở với việc bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu quý hiếm của địa phương như giảo cổ lam, sa nhân, thảo quả, ba kích... Việc phát triển được diện tích rừng trồng lớn, cộng với khí hậu địa phương quanh năm ôn hòa, mát mẻ đã giúp anh thực hiện được ý tưởng phát triển dược liệu dưới tán rừng. Tháng 8 năm 2018, anh Hải mạnh dạn ký kết hợp đồng với Viện nghiên cứu cây trồng của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Công ty cổ phần Dược liệu Traphaco, trồng thử nghiệm 4 vạn cây ba kích dưới tán quế. Đến nay sau 6 tháng trồng, cây ba kích đang sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến sau 4 đến 5 năm sẽ cho thu hoạch. Công ty dược liệu cam kết thu mua từ 80 - 100 nghìn đồng/kg củ thì loại cây này sẽ mang lại nguồn thu rất lớn cho gia đình anh trong tương lai. Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng còn có ưu điểm là các công đoạn chăm sóc dược liệu đồng thời cũng sẽ giúp cho cây quế sinh trưởng và phát triển tốt hơn, thời gian tới anh tiếp tục mở rộng ra thành 50 ha. Không chỉ dừng lại ở tham vọng làm giàu từ mô hình trồng rừng và dược liệu, gia đình anh Trần Văn Hải còn là hộ đầu tiên ở xã Phú Nhuận mạnh dạn đưa cá giống nước lạnh về nuôi. Đầu Cọ là thôn giáp ranh với huyện Sa Pa, có khí hậu mát mẻ và đặc biệt là nguồn nước sạch, đảm bảo tốt điều kiện để nuôi cá nước lạnh. Năm 2017, anh tiến hành xây dựng khu nuôi cá với diện tích 3 ha, gồm 5 bể nuôi cá. Tháng 8 năm 2018, anh thả thử nghiệm gần 4000 con cá tầm. Anh Hải cho biết: "Nuôi cá tầm không vất vả, tuy nhiên cần phải chú ý đến việc thay rửa, vệ sinh bể nuôi hàng ngày và đặc biệt là nguồn nước phải đảm bảo sạch, đủ độ lạnh, có nước ra vào thường xuyên. Hiện sau 6 tháng nuôi, lứa cá nước lạnh đầu tiên đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, cá lớn nhanh, không xảy ra bệnh, dịch".
Gia đình anh Hải là hộ đầu tiên ở xã Phú Nhuận mạnh dạn đưa cá giống nước lạnh về nuôi
Mô hình trồng rừng kết hợp bảo tồn, phát triển cây dược liệu và nuôi cá nước lạnh của gia đình anh Trần Văn Hải đang mang lại hiệu quả kinh tế tốt và nguồn thu nhập hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh qua từng năm. Mô hình này không chỉ giúp làm giàu cho gia đình, mà còn tạo ra những mô hình trực quan để các hộ dân ở địa phương tham khảo, học tập. Hiện nay, mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Trần Văn Hải cũng đã tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định, với mức lương khoảng 5 đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Ông Nguyễn Hữu Lý, Bí thư Đảng ủy UBND xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho biết: "Gia đình anh Hải đã tạo ra một vùng nguyên liệu rất tốt, là một tấm gương tiêu biểu của xã về giám nghĩ, giám làm, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong thôn, trong xã. Đồng thời anh Hải cũng đã tạo ra chuỗi giá trị liên kết, giải quyết hàng trăm lao động có thu nhập ổn định. Đây được coi là đốm lửa rất lớn, có sức lan tỏa rất mạnh cho nhiều hộ trong xã học tập và làm theo".
Từ năm 2015 đến nay anh Hải đã nhận được rất nhiều Bằng khen, Giấy khen ghi nhận những thành tích mà anh đã đạt được, đó cũng là minh chứng rõ nét cho sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và những đóng góp của anh Trần Văn Hải trong việc phát triển kinh tế, trồng, bảo vệ và gìn giữ tài nguyên rừng, góp sức xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình. Những tấm gương nông dân cần cù, ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu và áp dụng cái mới như anh Trần Văn Hải ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng rất cần được nhân rộng. Bởi đó chính là những nhân tố tích cực để thúc đẩy thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Vân Anh - Quang Ánh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết