Laocaitv.vn - Đã từng cùng đồng chí, đồng đội nếm mật, nằm gai, xẻ dọc Trường Sơn anh dũng tiến vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đã từng tham gia đảm bảo thông tin cho bộ đội trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc. Trở về địa phương, mặc dù chịu ảnh hưởng của sức ép bom đạn và chất độc da cam, ông vẫn nêu cao tinh thần của người lính Cụ Hồ, cùng đồng chí, đồng đội quyết chiến thắng trong trận chiến chống đói nghèo. Người mà chúng tôi muốn nhắc đến đó chính là cựu chiến binh Nguyến Đức Lượng ở bản Lâm Sản, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Lượng sáng chế lò sấy vô trùng đáp ứng hoạt động sản xuất thịt sấy.
Chiếc lò sấy vô trùng do cựu chiến binh Nguyễn Đức Lượng sáng chế, tuy chưa phải là hiện đại song với việc vận dụng sáng tạo những kiến thức trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo thông tin, liên lạc phục vụ chiến đấu của bộ đội 45 năm trước, ông Lượng đã chế tạo được một thiết bị bán tự động với đủ công năng, đáp ứng hoạt động sản xuất thịt sấy vô trùng cung cấp cho thị trường. Cựu chiến binh Nguyễn Đức Lượng, bản Lâm Sản, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên chia sẻ: "Chúng tôi cũng phải học hỏi, tìm tòi để am hiểu nhiều thiết bị công nghệ, tuy chậm nhưng chúng tôi cũng nắm bắt được. Thứ nhất là cái sáng tạo, thứ hai cũng là để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Và tôi cũng phải không ngừng phấn đấu, học hỏi để con cháu noi theo".
Ông Lượng luôn nhanh nhạy trong mọi hướng phát triển kinh tế của gia đình.
Nhập ngũ năm 1973, ông Nguyễn Đức Lượng được điều đồng về Đại đội 15, Tiểu đoàn 8 trực thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin. Ngay sau đó ông và đồng đội nhận lệnh vừa hành quân, vừa phục vụ chiến đấu dọc đường Trường Sơn. Ông và đồng đội đã đóng góp quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trở ra bắc, khi vừa hoàn thành chương trình đào tạo ở Trường Sĩ quan Thông tin, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu chiến đấu bảo vệ biên giới. Trải qua hai cuộc chiến, nếm trải mọi gian khổ, ác liệt của bom đạn đã tôi luyện ông trở thành người lính đầy bản lĩnh. Trở về địa phương với hai bàn tay trắng, lại thêm gánh nặng những di chứng của chiến tranh song ông không hề nản trước cuộc chiến với đói nghèo.
Không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, cựu chiến binh Nguyễn Đức Lượng còn là tấm gương điển hình trong các hoạt động xã hội ở địa phương. Ông đã cùng đồng chí, đồng đội tích cực tham gia đóng góp cho Phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp các hộ khó khăn trên địa bàn về vốn và cách thức làm ăn để cùng cố gắng vươn lên. Đồng chí Trần Văn Chiến, Chủ tịch Hội CCB xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên cho biết: "Đồng chí Nguyễn Đức Lượng cũng đã dành những phần trợ cấp của mình được hưởng hàng tháng để ủng hộ cho một số đồng chí khó khăn hơn. Và tinh thần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 25 về Cựu chiến binh không còn đói, không còn nghèo thì đồng chí Lượng cũng như nhiều đồng chí cựu chiến binh thời chống mỹ cũng đã tiên phong, gương mẫu ủng hộ để cùng với Hội Cựu chiến binh xã Bảo Hà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bảo Hà đã giao cho hội cựu chiến binh".
Cựu chiến binh cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời gian khó.
Kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2020. Không có điều kiện tổ chức tri ân những cựu chiến binh thời chống Mỹ theo hình thức tập thể, đông người như mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song những cuộc gặp nhóm nhỏ vẫn được các chi hội ở Bảo Hà duy trì. Ngoài để hồi tưởng chút kỷ niệm của 45 năm trước, buổi gặp gỡ còn là dịp để trao đổi, cùng nhau nhân lên những điển hình như cựu chiến binh Nguyễn Đức Lượng, qua đó tăng cường sức mạnh giúp những đồng chí, đồng đội và các gia đình trên địa bàn vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết