Đề án OCOP Lào Cai - mở ra cơ hội, giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao

09:32 15-01-2019 | :897

Laocaitv.vn - Thực hiện quyết định số 490 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018 – 2020, được thực hiện trên phạm vi cả nước. Tháng 9 năm 2018, tỉnh Lào Cai đã chính thức phê duyệt Đề án “Mỗi xã 1 sản phẩm, giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, gọi tắt là Đề án OCOP Lào Cai. Đến nay, sau hơn 03 tháng khởi động, đề án đã cho những tín hiệu khả quan.

Đề án "Mỗi xã một sản phẩm", giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 được gọi tắt là Đề án OCOP Lào Cai được chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020 và giai đoạn 2 được thực hiện đến năm 2030 với tổng kinh phí là gần 280 tỷ đồng, được thực hiện ở tất cả các huyện, thành phố. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2018 đến năm 2020, sẽ có 60 sản phẩm của tỉnh được nâng cấp, phát triển và trong giai đoạn 2 là 200 sản phẩm, Riêng năm 2018, sẽ có 10 sản phẩm được phát triển. Tỉnh Lào Cai kỳ vọng Đề án OCOP sẽ giúp các địa phương phát triển kinh tế tập trung, quy mô lớn trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp ở cả địa bàn nông thôn và khu vực đô thị, góp phần cung ứng sản phẩm cho việc phát triển dịch vụ, thương mại của tỉnh. Đồng thời thu hút ngày càng nhiều hơn các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, giai đoạn 2016 – 2020. 

Hợp tác xã Tiên Phong thu mua thóc Séng Cù tại ruộng.

Trên thực tế, trước khi Đề án OCOP được chính thức phê duyệt, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã rất quan tâm đến việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm hàng hóa mang tính đặc hữu, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Cụ thể tại huyện vùng cao Bát Xát, mô hình liên kết sản xuất gạo Séng cù giữa nông dân xã Mường Vi, với Hợp tác xã Tiên Phong là một ví dụ. 4 năm thực hiện liên kết, trên 160 ha đất ruộng 2 vụ lúa của Mường Vi đã được bà con gieo cấy hoàn toàn bằng giống lúa đặc sản Séng cù. Bình quân mỗi năm, xã Mường Vi cung cấp ra thị trường khoảng 1600 tấn thóc Séng cù với giá bán cao gấp đôi các loại thóc thường, mang lại giá trị thu nhập từ 20 - 22 tỷ đồng. Khi triển khai Đề án OCOP, Hợp tác xã Tiên Phong đã phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng xã Mường Vi xây dựng thành công “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng cù an toàn”, nhằm giúp sản phẩm gạo Séng cù Mường Vi có được những giá trị cao hơn, có thị trường tiêu thụ rộng rãi hơn. Tương tự, mô hình liên kết sản xuất Miến Đao của Hợp tác xã Thành Sơn, xã Bản Xèo cũng rất thành công, được phục hồi sản xuất từ cách đây 06 năm, đến nay, Hợp tác xã Miến Đao Thành Sơn đã xây dựng được vùng trồng nguyên liệu cây Đao riềng đỏ khoảng 350 ha với trên 400 hộ dân tham gia sản xuất, tập trung 03 xã Bản Xèo, Pa cheo và Dần Thàng. Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã Thành Sơn sản xuất được 35 tấn miến đao, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 26 lao động (là xã viên hợp tác xã) với thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm Miến Đao Thành Sơn đã được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu sản phẩm tin cậy, sản phẩm ưa dùng, dịch vụ hoàn hảo, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận đạt Danh hiệu vàng Nông sản Việt Nam năm 2017 và mới đây, Hợp tác xã này đã phối hợp cùng ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai xây dựng thành công ‘‘Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm miến đao an toàn,”, tiếp tục thử nghiệm cho ra đời thêm 02 sản phẩm mới là miến đao sâm và miến đao thảo dược… nhằm đa dạng, phong phú sản phẩm miến đao của địa phương. Ngoài 02 sản phẩm nông sản đặc hữu trên, đến thời điểm hiện tại, hàng loạt các xã khác của huyện Bát Xát cũng đã và đang xây dựng được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra những sản phẩm nông sản có giá trị, đem lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ nông dân.

 Sản phẩm Miến Đao Thành Sơn được Bộ NN&PTNT chứng nhận đạt Danh hiệu vàng Nông sản Việt Nam năm 2017

Tại huyện vùng cao Mường Khương, sau nhiều năm thực hiện chuyển dịch sản xuất và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, địa phương này đã xây dựng được 1 số sản phẩm nông sản có giá trị, như vùng dứa, vùng chuối cấy mô xã Bản Lầu; vùng nguyên liệu chè Shan tại các xã Bản Lầu, Thanh Bình, Lùng Vai, Cao Sơn… cùng các sản phẩm nông sản đặc hữu nổi tiếng như tương ớt, gạo Séng cù, quýt... được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, giúp hàng nghìn hộ nông dân của địa phương xóa đói, giảm nghèo. Là 1 trong những hộ dân tham gia dự án phát triển vùng nguyên liệu ớt Mường Khương với Hợp tác xã Hoa Lợi, anh Nông Văn Mìn, Trưởng thôn Pằng Tao, xã Bản Xen cho biêt: Để vùng nguyên liệu phát triển bền vững, thì người dân cũng phải giữ chữ tín, bắt tay chặt chẽ với doanh nghiệp để có được sản phẩm hàng hóa lâu dài.

Vùng nguyên liệu chè ở Phú Nhuận

Rượu men lá Na Lang

Ngoài 2 huyện kể trên ra, các địa phương còn lại trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã rất chú trọng trong việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa đặc thù dựa trên điều kiện khí hậu, tiềm năng đất đai của địa phương, như vùng cá nước lạnh, cao atiso, rau, hoa lan, thuốc tắm người Dao đỏ Tả Phìn, Sa Pa; rượu men lá Na Lang, chè hữu cơ Bản Liền (Bắc Hà) và vùng bưởi múc Thái Niên, Bảo Thắng…  Kết quả điều tra, khảo sát thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng đề án “Mỗi xã 1 sản phẩm” của tỉnh Lào Cai cho thấy: Toàn tỉnh hiện có hơn 220 sản phẩm lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm nhóm thực phẩm, nhóm đồ uống; nhóm thảo dược; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm dược liệu, rau, hoa, chè, cây ăn quả... quy mô gần 8.000 ha, liên kết với trên 12.500 hộ; giá trị tiêu thụ qua liên kết đạt trên 420 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh có 35 doanh nghiệp; hợp tác xã với 178 dòng sản phẩm được nhận diện, truy xuất nguồn gốc; 30 chuỗi sản phẩm an toàn được xây dựng (gấp 2,5 lấn mức bình quân chung số chuỗi/tỉnh, thành phố của cả nước). Nhiều sản phẩm đặc sản của Lào Cai đã được đưa vào tiệu thụ tại một số siêu thị lớn của Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái ... và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào liên kết sản xuất nông nghiệp được coi là một bước đi quan trọng, giúp tỉnh Lào Cai bước đầu xây dựng được những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm nông sản thế mạnh, giúp người dân có thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực  tế các vùng  sản xuất hàng hóa của Lào Cai vẫn còn ở qui mô nhỏ, các sản phẩm chủ yếu là “xuất thô”, chưa được chế biến sâu, bao bì, mẫu mã sản phẩm đơn giản. Năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp. Sản phẩm nông sản của Lào Cai ở thời điểm này chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương… Đây là những khó khăn mà tỉnh Lào Cai đang nỗ lực tìm cách khắc phục với hy vọng Đề án "mỗi xã 1 sản phẩm" (OCOP) sẽ đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trở thành hàng hóa, mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bà vùng cao. 

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết