Cơ sở kinh doanh Thịt chua Trường Phát sau 1 năm hoạt động không hiệu quả đã dừng hoạt động.
Thịt chua Trường Phát của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Xuyến, thôn Phú An 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cách đây 4 năm là sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019. Tuy nhiên, do là hộ kinh doanh cá thể, không có điều kiện quảng bá, giới thiệu nên chỉ sau hơn 1 năm được công nhận, cơ sở này đã dừng sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Lý, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng chia sẻ: "Cơ sở tự giác báo cáo, chúng tôi cũng thấy rằng, họ có đầy đủ các yếu tố không thể tồn tại được sản phẩm này. Chúng tôi quyết định báo cáo cơ quan chức năng thu hồi, tạo cơ hội cho kinh tế thị trường, kích thích sản phẩm khác tốt hơn".
Tương tự, sản phẩm Gạo Séng cù của Hợp tác xã Lương Hải, huyện Bảo Yên được công nhận là sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019 nhưng hiện cũng đã bị thu hồi. Nguyên nhân là hợp tác xã này đã giải thể, sản phẩm cũng không còn chủ sở hữu. Bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: "Huyện duy trì diện tích trồng lúa Séng cù xã Lương Sơn và mở rộng diện tích trồng thử nghiệm sang địa bàn khác để khôi phục sản phẩm Gạo Séng cù trên địa bàn huyện Bảo Yên".
Thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát, thu hồi chứng nhận những sản phẩm không đạt.
Tháng 12 năm ngoái, cùng với sản phẩm Gạo Séng cù Lương Sơn, Thịt chua Trường Phát thì sản phẩm Dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Gia Phú, huyện Bảo Thắng cũng bị thu hồi do không còn sản xuất. Việc làm này thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc thực hiện chương trình OCOP một cách thực chất. Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: "Năm 2022 tiếp tục có một số sản phẩm đến kỳ đánh giá và đương nhiên trong số đó sẽ có những sản phẩm tiếp tục thu hồi chứng nhận".
Tiến sỹ Trần Văn Ơn, Cố vấn cao cấp Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm cho biết: "Khi phát hiện sản phẩm tốt chúng ta phải đẩy lên. Bây giờ Nhà nước giúp quy hoạch vùng sản xuất tốt, theo chuỗi giá trị, quản trị chất lượng 4.0, xây dựng câu chuyện tốt cộng với đào tạo đội ngũ cán bộ, giám đốc các HTX thì chắc chắn sẽ đẩy lên 1 tầm mới".
Việc tỉnh thu hồi các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP khi không còn hội đủ các điều kiện cần thiết nhằm bảo vệ và nâng tầm các thương hiệu đã được chứng nhận. Đây cũng là bài học để các cơ sở sản xuất hướng đến xây dựng các sản phẩm OCOP đi vào thực chất có sức sống lâu bền.
Ngọc Hà – Lâm Thi – Vũ Giang
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết