Để người dân yên tâm gắn bó với cây chè

09:50 13-04-2019 | :956

Laocaitv.vn - Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây chè, tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển vùng chè hàng hóa khoảng 6.500 ha. Cùng với hướng đẩy mạnh thâm canh tăng vụ để nâng cao diện tích và sản lượng, để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến chè xuất khẩu hiện đang nỗ lực cao độ trong việc thay đổi mô hình hoạt động, mạnh dạn đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất mới để nâng cao phẩm cấp thương hiệu cho cây chè Lào Cai, qua đó tạo sự yên tâm để người dân gắn bó lâu dài với cây chè.

Trước thời điểm năm 2018, ở thị trấn Phong Hải, bà con nông dân vùng dự án không còn thiết tha với cây chè, bởi giá bán nguyên liệu quá thấp, không thể tái đầu tư sản xuất. Còn tại Công ty TNHH MTV chè Phong Hải, máy móc chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất kinh doanh nhiều năm không có lãi. Đã có thời gian dài hoạt động của công ty lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Vậy nhưng mọi điều đã thay đổi hẳn khi công ty tiến hành tái cơ cấu bộ máy tổ chức, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt việc chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH MTV sang hình thức cổ phần, đổi tên thành Công ty Cổ phần Phong Hải với sự tham gia quản lý của cổ đông có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh chè từ Lâm Đồng đã mang lại sức sống mới cho vùng chè Phong Hải.

Công ty CP Phong Hải đã gây dựng lại vùng nguyên liệu và cam kết thu mua chè ổn định cho bà con trồng chè

Ngay từ khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Phong Hải đã cụ thể hóa chiến lược gây dựng lại vùng nguyên liệu bằng cam kết thu mua chè ổn định, cao hơn so với những nhà máy khác tại các tỉnh thành phía Bắc. Phương thức thanh toán cũng đã thay đổi căn bản, thay vì nợ đọng như trước, bà con được thanh toán luôn sau khi bán chè. Kết thúc năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, vùng chè Phong Hải và các xã lân cận đều được mùa, giá bán mỗi kg chè búp tươi cũng tăng hơn từ 1500 đồng cho đến 2000 đồng mỗi kg. Không ít gia đình những năm trước đã bỏ đi làm ăn xa giờ cũng đã quay trở lại, tâm nguyện gắn bó với cây chè xanh trên đất quê hương, những gia đình trẻ, vốn loay hoay tìm hướng làm ăn thì nay cũng yên tâm đầu tư cho cây chè. Kết thúc năm 2018, từ việc thu mua được trên 3.300 tấn chè búp tươi chế biến thành chè khô xuất khẩu mang về cho Công ty cổ phần Phong Hải doanh thu trên 32 tỷ đồng. Chị Giàng Thị Xóa, thôn Hải Niên, xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng chia sẻ: "Mấy năm trước bán chè được ít tiền quá nên chẳng ai muốn trồng chè, bỏ đi làm hết, năm nay chè bán được giá thì ai cũng quay lại trồng, chăm sóc chè để chè có chất lượng bán được giá hơn".

Công ty đã đầu tư trên 3 tỷ đồng dây chuyền sản xuất chè khô theo hướng tự động hóa đã mang lại hiệu quả rõ rệt

Một luồng sinh khí mới, hăng say hơn trong lao động sản xuất đã thực sự được lan tỏa từ bà con nông dân cho tới những công nhân trong nhà máy. Việc đầu tư trên 3 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất chè khô theo hướng tự động hóa đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tiết giảm sức lao động. Nguyên liệu dồi dào, công nghệ thay đổi, sản phẩm chè khô làm ra được nâng cao hơn về phẩm cấp... vì thế giá bán ra thị trường cũng đã cao hơn. Đây chính là cơ sở để Công ty Cổ phần Phong Hải trả lương cho công nhân cao gấp từ 2 đến 3 lần so với trước. Với quan điểm mức lương cơ bản giữa lãnh đạo, quản lý và công nhân phải dựa trên năng lực và hiệu suất lao động, Công ty cổ phần Chè Phong hải đang kỳ vọng xây dựng được mối quan hệ gần gũi, tạo dựng không khí hiểu biết, đoàn kết, từ đó công nhân thêm quyết tâm, hăng say hơn trong lao động sản xuất và đây cũng được xác định là nền tảng vững chắc để công ty tiếp tục đầu tư, nâng công suất nhà máy từ 18 tấn lên 40 tấn mỗi ngày, đảm bảo tiêu thụ hết chè búp tươi cho bà con nông dân tại các vùng chè nguyên liệu. Năm 2019, công ty đặt ra mục tiêu thu mua 4.100 tấn chè búp tươi, chế biến 900 tấn chè búp khô, doanh thu bán chè đạt trên 39 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đó, hiện công ty đang tập trung nâng cấp 1 số dây truyền băng tải, cân định lượng, sàn thao tác vừa để tiết giảm công sức, chi phí lao động và chè rơi vãi, đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung chế biến chè nội tiêu, chè đóng hộp và chè túi lọc để xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống vùng Trung đông và các nước Châu Âu theo hợp tác kí kết với tỉnh Lào Cai. Ông Phạm Huy Hoàng, GĐ Công ty Cổ phần Phong Hải, huyện Bảo Thắng cho biết: "Hiện nay khó khăn lớn nhất của công ty là chưa có hồ sơ pháp lý để thế chấp ngân hàng lấy kinh phí để đầu tư tiếp, với nhu cầu hiện nay của công ty đến thời điểm này cần vốn lưu động là 12 tỷ, vốn đầu tư dài hạn là khoảng 8 đến 10 tỷ, công ty cũng mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện để công ty hoàn thiện các thủ tục, có vốn thì mới đầu tư dài hơi được".  

 Sản phẩm chè khô làm ra được nâng cao về phẩm cấp, được nhiều khách hàng tin dùng

Những khởi sắc sau hơn 1 năm thực hiện cổ phần hóa tại Công ty cổ phần Phong Hải đáng được ghi nhận, tuy nhiên để tạo dựng được một thương hiệu chè trong tốp đầu cả nước như mục tiêu và kỳ vọng của tỉnh Lào Cai, Công ty CP Phong Hải mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính quyền địa phương, sớm khảo sát, mở rộng thêm vùng nguyên liệu chè lên trên 1000 ha để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất lâu dài. Cùng với đó là nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất của công ty. Đây là điều kiện để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý thế chấp vay vốn ngân hàng, tái đầu tư sản xuất kinh doanh và thu mua nguyên liệu cho bà con nông dân. Hiện tại việc phát triển vùng chè nguyên liệu ở Lào Cai đang gặp khó khăn do công tác quản lý quy hoạch còn hạn chế; người dân một số địa phương tự ý thay thế trồng cây lâm nghiệp cho nên diện tích chè bị thu hẹp; một số nhà máy thu mua chè dây chuyền thiết bị, công nghệ chế biến chưa đồng bộ cho nên giá bán thấp, khó thúc đẩy sản xuất và cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất chè cũng cần có kế hoạch quản lý, phát triển và thu mua nguyên liệu chè búp tươi ổn định, công khai giá bán, chia sẻ hài hòa lợi ích với người trồng chè. Tập trung đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến sâu sản phẩm chè khô; thay đổi mẫu mã, bao bì đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước. Đây là những vấn đề cần được quan tâm để thương hiệu chè Lào Cai phát triển bền vững.

Thanh Sơn – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết