Đồng bào dân tộc thiểu số tại Si Ma Cai liên kết sản xuất để thoát nghèo, làm giàu

16:41 02-09-2022 | :456

Laocaitv.vn - Hơn 90% hộ dân của huyện vùng cao Si Ma Cai có thu nhập chính từ nông nghiệp. Thời gian qua, địa phương này đã  quan tâm nâng cao hiệu quả của các HTX, thu hút đầu tư, liên kết để mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới hình thành chuỗi giá trị, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, giá trị gia tăng cao.

Các công nhân Hợp tác xã Mản Thẩn chế biến sản phẩm dược liệu.

Bà Sùng Thị Pằng và nhiều người dân trong thôn Mản Thẩn có được việc làm ổn định tại Hợp tác xã Mản Thẩn, với công việc trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm dược liệu. Không chỉ có thêm thu nhập, công việc này còn giúp bà Pằng được tiếp cận thêm nhiều kĩ thuật mới trong sản xuất. Bà Sùng Thị Pằng chia sẻ: "Trước kia gia đình cũng có trồng một ít cây đương quy, tam thất để dùng, bây giờ thì trồng nhiều để bán. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia HTX Mản Thẩn, công việc chế biến, sản xuất cũng không khó vì đã có máy móc hỗ trợ".

Là một trong những hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn huyện vùng cao Si Ma Cai tiếp cận chế biến nông sản, đến nay các sản phẩm trà túi lọc tam thất, bột tam thất, trà tam thất... của HTX Mản Thẩn đã được cung cấp đến nhiều người tiêu dùng trên cả nước. Hợp tác xã cũng triển khai trồng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Chị Vũ Thị Nhung, Hợp tác xã Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai cho biết: "Khi mà chưa có hợp tác xã, canh tác theo hộ gia đình thì chúng tôi chưa có kĩ thuật, sản lượng năng suất rất là thấp. Giờ đây, tham gia hợp tác xã chúng tôi cũng được hỗ trợ về canh tác và chế biến cây dược liệu".

Vai trò của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất đã góp phần tăng thu nhập xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Thời gian qua,  huyện Si Ma Cai đã chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã vào liên kết sản xuất với nông dân, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như sản xuất cây dược liệu, trên địa bàn huyện hiện có 3 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đây sẽ là cơ hội để ngành Nông nghiệp Si Ma Cai ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đồng thời giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ông Hà Đức Minh, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai cho biết: "Bên cạnh các cơ chế của trung ương, của tỉnh, huyện cũng sẽ nghiên cứu có những ưu đãi đặc thù phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. Sử dụng các nguồn kinh phí phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp, khuyến khích liên kết chế biến và tiêu thụ sản phẩm, coi đây là bước đột phá trong sản xuát nông nghiệp".

Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, phát triển nông nghiệp hàng hóa đang được huyện Si Ma Cai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo. Việc phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất trên địa bàn đã góp phần hình thành các mặt hàng nông sản thế mạnh, đặc trưng mang thương hiệu Si Ma Cai, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết