Laocaitv.vn - Cùng với ngành Du lịch cả nước, thị xã Sa Pa đã có nhiều chính sách mới để kích cầu, phát triển du lịch. Chỉ một thời gian ngắn, du lịch Sa Pa đã có tín hiệu khởi sắc khi lượng khách tăng đột biến. Vậy nhưng, thời điểm này, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại với những diễn biến phức tạp và khó lường, du lịch Sa Pa một lần nữa lại rơi vào tình trạng khó khăn.
Tại khu du lịch Cát Cát, một trong những điểm tham quan thu hút khách du lịch của thị xã Sa Pa, hàng quán đóng cửa, mọi hoạt động kinh doanh, biểu diễn văn hóa, văn nghệ dừng hoạt động vì vắng bóng du khách. Nếu hai tháng 6, 7 vừa qua lượng khách đến với Cát Cát đạt gần 70.000 lượt, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2019 thì ở thời điểm hiện tại mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục khách đến tham quan.
Khu du lịch Cát Cát vắng bóng khách.
Ông Phạm Quang Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Cát Cát cho biết: “Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động du lịch của công ty. Đối với khu du lịch, chúng tôi vẫn phải duy trì, duy tu bảo dưỡng các công trình, các điểm để không bị hỏng hóc, xuống cấp nên đây là một khó khăn lớn cho công ty”.
Mỗi ngày chỉ có vài chục lượt khách đến tham quan tại Cát Cát.
Điểm du lịch đồi hoa hồng cổ ở bản Sâu Chua, phường Sa Pả thời gian qua đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Đầu tháng 8, khi đủ các thủ tục, điểm tham quan này chính thức được bán vé phục vụ khách du lịch thì dịch bệnh lại bùng phát, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của đơn vị chủ quản.
“Đồi hoa hồng cổ không như nhà hàng, khách sạn, không có khách có thể cho nhân viên nghỉ, đóng cửa, nhưng với điểm du lịch này thì vẫn cần nhân viên chăm sóc cây, cắt tỉa cành, mỗi tháng hết khoảng 100 triệu đồng tiền nhân công chưa kể tiền phân bón cho hoa, vì vậy mà đơn vị cũng đang gặp rất nhiều khó khăn”, chị Hoàng Kim Nhung, quản lý điểm du lịch đồi hoa hồng cổ chia sẻ.
Điểm du lịch đồi hoa hồng cổ ở bản Sâu Chua, phường Sa Pả cũng thưa vắng khách du lịch.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều khu, điểm du lịch của thị xã Sa Pa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở homestay đón khách lưu trú, ăn nghỉ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều du khách hủy tour do lo sợ dịch bệnh.
“Khi nghe thông tin về dịch thì tỷ lệ khách hoãn, hủy tham quan Sa Pa rất cao, tính từ 20/7 đến nay tỷ lệ hủy lên đến 80, 90% và tỷ lệ các khách sạn, nhà hàng đóng cửa cũng tương đối”, ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thị xã Sa Pa cho biết.
Nhiều nhà hàng, khách sạn lao đao vì Covid-19, không ít nhân viên phải nghỉ việc.
Trước tình trạng khó khăn chung của dịch bệnh, UBND thị xã Sa Pa đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách cũng như Nhân dân địa phương. Cùng với đó, khẩn trương tổ chức các hoạt động để thu hút khách nội địa đến tham quan du lịch, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết thêm: “Thị xã Sa Pa đã thực hiện nghiêm túc việc triển khai Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các ngân hàng trên địa bàn cũng đã giãn, hoãn nợ, lãi suất cho các đơn vị gặp khó khăn do dịch bệnh. Thị xã Sa Pa cũng hỗ trợ, vận động các khách sạn, nhà hàng cố gắng duy trì người lao động để sau dịch có nhân lực làm việc ngay”.
Thông tin từ Hiệp hội Du lịch thị xã Sa Pa, mặc dù lượng khách sụt giảm vì hủy tour, thế nhưng hiện tại vẫn ghi nhận có số lượng khách nhất định đặt phòng, tour du lịch cuối tháng 8, đầu tháng 9.
Để du lịch Sa Pa ổn định trở lại thì công tác phòng, chống dịch bệnh cần được đặt lên hàng đầu nhằm tạo sự tin tưởng, yên tâm cho du khách và có chiến dịch quảng bá, khuyến mãi phù hợp để hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Vân Anh - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết