Giải pháp cho việc bảo tồn và phát triển bền vững cây dược liệu bản địa Lào Cai

15:01 14-08-2017 | :2550

Thưa quý vị và các bạn! Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phong phú, tỉnh Lào Cai hiện đang sở hữu nhiều loại cây dược liệu, với số lượng lên đến hàng nghìn loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm, mang giá trị y dược cao. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả thế mạnh cây dược liệu, phục vụ nâng cao sức khoẻ người dân, bảo tồn hệ sinh thái cũng như đảm bảo lợi ích kinh tế, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm tháo gỡ. 

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Lào Cai hiện có khoảng hơn 2 nghìn loài thực vật bậc cao có mạch, số lượng các loài cây đặc hữu chiếm ¼ số loài đặc hữu của Việt Nam. Trong đó, 143 thực vật đặc hữu quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, như: Vân Sam, Thiết Sam, Thông đỏ, Lan Kim tuyến. Riêng cây thuốc chiếm 700 loài, đặc biệt, có những cây thuốc quý như: ba kích, thảo quả, sa nhân, ngũ gia bì, hoàng liên, hà thủ ô, hoàng đằng… mọc tự nhiên vùng núi cao. Cùng với sự đa dạng đó là sự phong phú về nguồn tri thức bản địa của người dân trong việc khai thác, sử dụng cây cỏ làm thuốc trị bệnh và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, buôn bán cây thuốc tự phát diễn ra khá phổ biến, thương lái trong và ngoài nước lợi dụng sự thiếu thông tin của bà con vùng sâu, vùng sâu để thu mua với giá rẻ mạt. Hoạt động này không chỉ làm suy giảm nguồn tài nguyên, tính đa dạng sinh học mà còn làm cạn kiệt, thậm chí là sự biến mất của nhiều loại cây thuốc quý hiếm, gây thiệt hại lớn về môi trường sinh thái và lợi ích  kinh tế của người dân. Theo một số nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, việc khai thác không đảm bảo tái sinh, vấn đề du canh và phát triển cây công nghiệp, việc phát triển các công trình thuỷ điện, suy thoái tầng gỗ trong rừng tự nhiên...cũng là nguyên nhân gây suy kiệt nguồn tại nguyên dược liệu quý. Bên cạnh đó, việc sản xuất, thu hoạch, công nghệ chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Thực trạng này cho thấy: cần phải có cơ chế chính sách mang tính tổng thể, đồng bộ về bảo tồn, phát triển, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên dược liệu, phục vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và tạo thu nhập bền vững cho người dân bản địa.

Hiện nhiều loài cây thuốc quý đang bị khai thác mạnh ở Lào Cai, trong khi trên địa bàn tỉnh mới có 2 đơn vị chính được giao nhiệm vụ quản lý, bảo tồn các loài cây thuốc quý là Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Trung tâm nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa (Viện dược liệu Trung ương). Chính vì vậy, vấn đề đánh giá hiện trạng các loài cây dược liệu nguy cấp, quý hiếm cần được bản vệ rất cần được quan tâm. Chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và phát triển nguồn Gen dược liệu, tiến sỹ Trần Minh Ngọc - Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam cho rằng, hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên của Lào Cai rất đa dạng, chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú, trữ lượng lớn, nếu được đưa vào khai thác một cách có hệ thống kèm theo kiểm soát quần thể và có quản lý chặt chẽ sẽ tạo ra một lượng hàng hoá có giá trị lớn. Bên cạnh đó, Lào Cai cũng là tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế đặc thù về phát triển dược liệu, chính vì vậy, tỉnh cần tập trung cho việc bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu.

Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu là rất lớn và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, được nhiều tiêu dùng lựa chọn như một sản phẩm thay thế cho một số loại thuốc tây. Cây dược liệu của Lào Cai hiện đang được khai thác và sử dụng theo 2 nguồn chính là: nguồn dược liệu tự nhiên và nguồn dược liệu trồng. Riêng nguồn dược liệu tự nhiên hiện chưa đánh giá, xác định diện tích cụ thể do chủ yếu là mọc tự nhiên trong rừng, được khai thác phục vụ nhu cầu tiêu dụng của thị trường. Đáng chú ý là dược liệu tự nhiên hiện chỉ còn một số loại đang được khai thác, với số lượng ngày càng hạn chế như: giảo cổ lam, chè dây, đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân tím, ấn tàu, đỗ trọng. Hiện nay, việc sử dụng dược liệu trong chăm sóc sức khoẻ (thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm) là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong quy trình thu mua, sản xuất và cung ứng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên tới người tiêu dùng trên địa bàn.

Cây đương quy sinh trưởng và phát triển tốt tại các xã vùng cao huyện Bát Xát.

Cây đương quy sinh trưởng và phát triển tốt tại các xã vùng cao huyện Bát Xát.

Với nhiều lợi thế như: đa số cây dược liệu dễ trồng, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là cho giá trị kinh tế rất cao, tuy nhiên, chủ trương phát triển, khai thác, chế biến cây dược liệu trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều bất cập. Nguồn vốn khó khăn, hệ thống hạ tầng cho các vùng cây dược liệu còn thiếu, các quy trình kỹ thuật về trồng trọt, thu hái sản phẩm đơn sơ, chưa kể thị trường tiêu thụ khá bấp bênh…Thực trạng này đã được tỉnh, đơn vị chức năng nắm bắt, từ đó, tiến tới quy hoạch vùng trồng, có giải pháp bảo tồn đi đôi với phát triển là rất quan trọng, nhằm bảo tồn sự đan dạng của hệ sinh thái, phát triển bền vững cây dược liệu bản địa, phục vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân.

Lê Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết