Giải pháp hiệu quả nâng cao tổng sản lượng lương thực có hạt của Lào Cai

15:17 16-01-2018 | :2514

Laocaitv.vn - Kết thúc năm 2017, chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực có hạt  cả năm của tỉnh Lào Cai tiếp tục đạt kỷ lục mới khi chính thức đạt con số trên 305 nghìn tấn, vượt trên 5.300 tấn so với kế hoạch năm và tăng gần 9 nghìn tấn so với  cùng kỳ năm 2016.  Có nhiều nguyên nhân để đưa đến con số kỷ lục này, trong đó, có vai trò đáng kể của việc quyết liệt thực hiện mô hình sản xuất cánh đồng một giống gắn với áp dụng hệ thống canh tác cải tiến SRI, cùng đó là mở rộng diện tích ngô dày tại các địa phương.

Năm 2017, chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực có hạt tiếp tục đạt kỷ lục mới khi chính thức đạt con số trên 305 nghìn tấn (ảnh: An Hồng)

Vụ xuân năm 2017, toàn tỉnh Lào Cai  thực hiện gieo cấy trên 3.700 ngàn ha lúa theo mô hình cánh đồng một giống, vượt gần gấp đôi so với kế hoạch ban đầu mà ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra. Sang vụ mùa, diện tích này đã tăng lên thành gần 5.000 ha, áp dụng toàn phần hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI). Với diện tích sản xuất cả năm là 8.558 ha, bằng trên 202%  kế hoạch  và vượt gần  246%  so với cùng năm 2016, cánh đồng 01 giống đã chiếm tới gần 1/3 tổng diện tích 31.532 ha lúa cả năm của toàn tỉnh.  Đây chính là nguyên nhân  mang lại sự thay đổi về năng suất và sản lượng lúa của Lào Cai, mặc dù trong năm, sản xuất lương thực gặp không ít khó khăn do mưa lũ, sâu bệnh phát sinh gây mất mùa cục bộ trên đồng ruộng, song  với năng suất vượt trội, bình quân đạt trên 62 tạ/ha (cá biệt có những diện tích cho năng suất lúa vượt trội 65 – 68 tạ/ha), cao hơn năng suất lúa đại trà từ 15-16 tạ/ha,  cánh đồng 01 giống đã đẩy năng suất lúa bình quân toàn tỉnh lên xấp xỉ 51tạ/ha, góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Tổng sản lượng lương thực của tỉnh đề ra trong năm kế hoạch 2017.

Thực tế cánh đồng một giống không phải là thuật ngữ mới lạ với nông dân Lào Cai. Từ vài năm trước, nhiều địa phương, nhất là huyện Bảo Thắng đã thí điểm thực hiện biện pháp canh tác “cánh đồng một vùng, một giống, một thời gian” và hệ thống canh tác cải tiến SRI. Qua đối chứng các chân ruộng áp dụng biện pháp canh tác cũ, hiệu quả thu được rất rõ ràng, năng suất tăng cao, tiết kiệm giống, phân bón…. Nhưng để triển khai ra diện rộng thì lại gặp khó. Trước hết là do những năm đó, bộ giống lúa của tỉnh chưa lựa chọn ra những giống vừa có năng suất cao lại có chất lượng tốt. Chủ yếu là các giống lúa lai nhập ngoại, chất lượng bình thường, giá trị kinh tế không cao. Nay với các bộ giống lúa thuần thơm, được khuyến khích đưa và gieo cấy đồng loạt như BC15, TBR 225, Thiên Ưu 8…..năng suất đi liền với chất lượng, giá bán thóc ở mức khá, nên sự chênh lệch về năng suất lên tới cả tấn mỗi ha đã khiến bà con mặn mà hơn với mô hình “ cánh đồng một giống”.  Thứ nữa là cách thức triển khai của ngành nông nghiệp và các địa phương vẫn còn nặng hình thức phong trào, chưa sâu sát, cụ thể. Bản thân bà con nông dân chưa nhận thức được lợi ích của cách làm này, ngại thay đổi thói quen canh tác…

Nhưng trong năm 2016 và đặc biệt trong năm 2017, mọi việc đã khác. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, ngay từ vụ xuân Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai xây dựng cánh đồng một giống áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI nhằm tăng năng suất cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị đất canh tác và bảo vệ môi trường sinh thái. Bằng hàng loạt các biện pháp chỉ đạo quyết liệt như: hướng dẫn khung thời vụ, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật cấy mạ non, bón thúc sớm, rút nước trong giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng... Đồng thời, thúc đẩy liên kết trong sản xuất tại các địa phương, hỗ trợ kỹ thuật, phòng trừ dịch hại bảo vệ sản xuất. Kết quả là cả 5 huyện nằm trong vùng triển khai mô hình ( Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát ) đều hoàn thành vượt mức cao kế hoạch đề ra. Nhiều xã không nằm trong vùng thực hiện mô hình sản xuất cánh đồng 01 giống, nhưng đã mạnh dạn ứng dụng và đạt kết quả tốt.

Nhờ thực hiện cánh đồng 1 giống, huyện Văn Bàn đã gần hoàn thành mục tiêu kế hoạch nghị quyết Đại hội Đảng Bộ huyện Văn Bàn đề ra đến năm 2020 về chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực (Ảnh: An Hồng)

Nổi bật trong số những địa phương đó là huyện Văn Bàn. Chính thức liên kết với doanh nghiệp  thực hiện cánh đồng 01 giống từ năm 2015, sau 03 năm triển khai, năm 2017, toàn huyện Văn Bàn có trên 3.000 ha lúa cánh đồng 01 giống. Năng suất và sản lượng vượt trội của cánh đồng 01 giống đã giúp địa phương này đạt tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 58.637 tấn, bằng  99,4% mục tiêu kế hoạch nghị quyết Đại hội Đảng Bộ huyện Văn Bàn đề ra đến năm 2020.

Huyện Mường Khương- quê hương của giống lúa đặc sản Séng Cù, mặc dù đã đăng ký thương hiệu Quốc gia, nhưng với kiểu sản xuất nhỏ lẻ, bà con giữ thói quen mỗi gia đình cấy một ít giống Séng Cù để bán, cấy một ít giống lúa thường để ăn. Trên cùng một triền ruộng cấy dăm ba loại giống. Mỗi giống có thời gian, đặc điểm sinh trưởng khác nhau nên trỗ sớm, trỗ muộn, rất khó kiểm soát sâu bệnh. Đặc biệt làm cho lúa Séng Cù bị lai tạp, thoái hoá giống, chất lượng gạo không cao. Do vậy, bước vào năm sản xuất 2017- các xã nằm trong vùng cấy lúa Séng Cù chính là Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Tung Chung Phố (huyện Mường Khương) đã vận động nông dân tiếp tục thực hiện cánh đồng một giống nhằm đảm bảo chất lượng gạo Séng cù được thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao theo nguyên bản. Toàn bộ khu vực, triền ruộng dù của nhiều hộ nhưng thống nhất chỉ gieo cấy một giống lúa Séng Cù, cấy cùng thời điểm. Kết quả, tất cả các hộ tham gia mô hình “một giống” này đều đạt năng suất cao, quan trọng nhất là toàn bộ sản phẩm thóc đều đạt tiêu chuẩn để Hợp tác xã thu mua, chế biến, đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội. Nhờ đó, giá trị thu nhập của bà con cũng được nâng lên. Còn huyện Mường Khương đã khẳng định được hướng đi để giữ vững thương hiệu gạo Séng Cù đặc sản của mình.

Với xã Mường Vi, vùng lúa hàng hoá chính của huyện Bát Xát, nhận thấy giống lúa đặc sản Séng Cù vừa cho năng suất cao vừa cho giá bán gấp rưỡi, gấp đôi các giống lúa thường khác nên khi được cấp uỷ, chính quyền địa phương định hướng, bà con người Giáy, người Dao ở đây đã tự giác chuyển dần từ gieo cấy nhiều giống lúa sang tập trung chủ yếu vào giống Séng Cù. Toàn xã có 164 ha ruộng nước thì  hầu hết đều đồng loạt gieo cấy giống lúa Séng Cù . Cách làm này đã được thực hiện từ vài năm nay, nhờ vậy, Mường Vi giữ được chất lượng hạt gạo đặc sản, giữ được giá bán ổn định ở mức cao. Bình quân mỗi năm, xã cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 - 1700 tấn thóc Séng Cù, mang lại giá trị thu nhập hơn 21 tỷ đồng. Bằng việc hợp tác chặt chẽ với Hợp tác xã Tiên Phong  trong việc sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Sau mỗi vụ thu hoạch, các hộ dân trồng lúa ở Mường Vi không còn nỗi lo hạt thóc được mùa, mất giá, mà toàn bộ sản phẩm lúa làm ra đến đâu, được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đến đấy, với mức giá bình ổn, đảm bảo cho người trồng lúa có thu nhập khá. Chị Vàng Thị Dủ - 01 trong những hộ dân có khá nhiều chân ruộng cấy lúa Séng Cù ở Thôn Ná Ảng – xã Mường Vi đã phấn khởi nói rằng: từ khi chuyển toàn bộ 04 sào lúa của gia đình sang trồng lúa Séng Cù, nhà chị đã thoát nghèo bởi có thêm tiền bán lúa. Còn trong thôn, những hộ có nhiều chân ruộng cấy lúa thì thu nhập cao hơn, nhờ vậy, cuộc sống cũng khá giả hơn.

Bà con nông dân được hướng dẫn canh tác theo hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI (ảnh: An Hồng)

Ở những nơi đã làm cánh đồng “một giống” vài ba năm, hay những nơi mới làm trong năm 2017, bà con nông dân đều khẳng định: Năng suất cao là cái nhìn thấy rõ nhất. Tính kỹ cả vụ mới thấy chi phí đầu vào thấp hơn nhiều so với cách làm trước đây. Bởi làm theo mô hình “ một giống”, lại áp dụng hệ thống canh tác cải tiến SRI, cấy một rảnh, tiết kiệm được giống. Thứ hai là phân bón, do bón lót hợp lý, điều tiết nước đầy đủ giúp cây lúa có sức sinh trưởng tốt; Cấy cùng thời điểm, việc làm cỏ, bón thúc diễn ra đồng thời, toàn bộ cánh đồng hấp thụ hết lượng phân, không bị lãng phí, nên không cần bón nhiều. Đặc biệt nhất là làm cánh đồng “một giống” gần như bà con không phải sử dụng thuốc trừ sâu. Tình trạng cấy nhiều giống, nhiều thời gian, cây lúa phát triển không đồng đều, giống trỗ trước, giống trỗ sau, nhiều loại sâu bệnh theo đó cũng xuất hiện, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Hơn nữa, nhiều giống mẫn cảm với sâu bệnh và không có trong cơ cấu giống của tỉnh vẫn được một số gia đình đưa vào gieo cấy, dẫn tới năng suất thường bấp bênh. Vấn đề này khiến ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương tìm nhiều cách giải quyết nhưng chưa hiệu quả. So sánh đối chứng của cánh đồng “một giống”, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật chỉ bằng 1/3 so với cánh đồng nhiều giống. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật ít hơn đồng nghĩa với việc chi phí công lao động, tiền thuốc sẽ ít hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường, chất lượng gạo sẽ tốt hơn. Ông Hoàng Nha – một nông dân thôn Tông Hốc, xã Dương Quỳ, Văn Bàn khi được hỏi về ưu điểm của mô hình cánh đồng 01 giống đã nói rõ rằng: sau 04 vụ tham gia cấy lúa cánh đồng 01 giống, gia đình ông rất ít khi phải phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Riêng vụ xuân năm 2017, thì không phải phun thuốc lần nào. Điều đó cũng đồng nghĩa, hạt thóc của những hộ dân như gia đình ông sản xuất ra an toàn, chất lượng hơn.

Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật tự nguyện hướng dẫn bà con chăm sóc lúa theo phương thức lúa cải tiến (ảnh: An Hồng)

Không chỉ thành công với bước đột phá trong thay đổi thói quen gieo cấy và canh tác cây lúa, năm 2017, ngành nông nghiệp Lào Cai cũng đã triển khai rất hiệu quả việc nhân rộng mô hình trồng ngô thâm canh mật độ cao. Với diện tích cả năm gần 6 nghìn ha, vượt gần 6% kế hoạch và bằng xấp xỉ 597% so cùng kỳ. Mô hình trồng ngô dày đã đẩy năng suất, sản lượng ngô toàn tỉnh  lên rất cao: bình quân cả năm đạt trên 58 tạ/ha, tăng hơn năng suất ngô canh tác theo phương pháp cũ khoảng 23 tạ/ha. Giá trị thu nhập của cây ngô trồng thâm canh theo đó cũng đạt mức tăng từ 11 – 12 triệu đồng/ha/ mỗi vụ. Với kết quả thực tế thu được từ đồng ruộng, những hộ dân thực hiện mô hình trồng ngô dày khi được hỏi đều trả lời chắc chắn: Tuy tăng thêm chi phí giống, nhưng năng suất thu về vượt trội, đưa lợi nhuận thêm lên tới 70%.

Với một tỉnh còn tới 80% dân số sống bằng nông nghiệp, diện tích đất canh tác khó có thể tăng thêm trong khi dư địa để tăng năng suất 2 cây lương thực chính là lúa và ngô thì còn rất lớn. Để giải bài toán nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân trên đất trồng cây lương thực, thì cách làm tốt nhất vẫn là thay đổi phương thức thâm canh. Với chủ trương này, năm 2018, diện tích lúa “một giống” và “ ngô mật độ dày”  tiếp tục được ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo mở rộng diện tích và giao kế hoạch cho các địa phương từ rất sớm, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mục tiêu kế hoạch Tổng sản lượng lương thực có hạt: 312.000 tấn, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực của địa phương./.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết