Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Tằng Loỏng – còn nhiều thách thức

15:16 21-09-2017 | :2622

Ở bài báo "Bảo vệ môi trường tại KCN Tằng Loỏng – thách thức đặt ra và bài toán chưa có lời giải" chúng tôi đề cập đến tình trạng đáng báo động xung quanh vấn đề ô nhiễm môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng – địa bàn huyện Bảo Thắng. Trên thực tế, đây là vấn đề đã và đang được tỉnh, ngành chức năng, huyện Bảo Thắng tập trung tháo gỡ với tinh thần không vì sự phát triển mà đánh đổi môi trường, tuy nhiên, bài toán về môi trường tại Tằng Lỏong xem ra vẫn còn khá nhiều thách thức.

 

Tỉnh Lào Cai hiện có 3 khu, cụm công nghiệp và 1 Khu Thương mại – Công nghiệp Kim Thành, trong đó, khu công nghiệp Bắc Duyên Hải và Đông Phố Mới được đánh giá là 2 khu công nghiệp ít phát thải do đặc thù ngành nghề sản xuất. Khu Thương mại – Công nghiệp Kim do số lượng dự án đi vào hoạt động chưa nhiều, chủ yếu là văn phòng đại diện nên chưa tác động đến môi trường xung quanh. Riêng Khu Công nghiệp Tằng Lỏong, với đặc thù là một trong những khu công nghiệp chuyên sản xuất hoá chất, luyện kim trọng điểm của cả nước, môi trường khu vực này đang chịu tác động cộng hưởng do hoạt động của các nhà máy đồng loạt phát thải gây ô nhiễm. Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về môi trường tại các khu công nghiệp của tỉnh: do đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường tại khu các công nghiệp còn bất cập; việc chấp hành hồ sơ bảo vệ môi trường của một số đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm và một số lý do khác dẫn đến hiện tượng khí thải, nước thải và chất thải rắn tại khu công nghiệp (chủ yếu là Khu Công nghiệp Tằng Lỏong) đang diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Với các số liệu quan trắc được như: tổng lượng khí thải các nhà máy phát thải trung bình khoảng 1,7 triệu m3/h, thành phần chính gồm SO2, CO, NO2, việc xử lý khí thải từ các nhà máy trong khu công nghiệp chưa triệt để, một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép. Đối với nước thải, một số dự án tuần hoàn nước thải chưa đảm bảo, khu công nghiệp chưa có hạ tầng thu gom nước mặt nên khó khăn trong việc kiểm soát và quản lý; xuất hiện tình trạng thẩm thấu, rỉ nước ra môi trường. Riêng chất thải rắn, thống kê sơ bộ có khoảng 5,8 triệu tấn/năm, hiện các loại chất thỉa này chưa có biện pháp xử lý triệt để, mới có khoảng 10% xỉ thải phốt pho cung cấp làm phụ gia xi măng, sản xuất gạch, còn chủ yếu là tập kết trong mặt bằng của doanh nghiệp.

Còn theo Chi cục Bảo vệ Môi trưởng (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh), tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh là rất lớn, chủ yếu tại khu công nghiệp Tằng Lỏong. Tại các khu công nghiệp, vẫn còn 7 dự án chưa được xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường, trong đó, có tới 6 dự án tại Khu Công nghiệp tằng Loỏng, gồm: 1 dự án đang xây dựng đó là Phốt pho Apatit; 4 dự án đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: Phốt pho vàng Đức Giang, DAP, DCP, Supe lân; dự án của Công ty Cổ phần phốt pho Nam Tiến và 1 dự án đã đi vào hoạt động đó là Nhà máy hoá chất Bảo Thắng. Cũng theo Chi Cục bảo vệ Môi trường, từ năm 2014 đến nay, những sự cố môi trường liên quan đến khí thái, nước thải gần như năm nào cũng xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân quanh khu vực. Nhưng với điều kiện năng lực, trang thiết bị như hiện nay thì khi xảy ra sự cố về môi trương, ngành chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Còn trong buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường vừa diễn ra hồi đầu tháng 9 này, ông Nguyễn Thành Sinh – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh cũng khẳng định, ô nhiễm môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Lỏong hiện nay đang là vấn đề rất nghiêm trọng, đáng báo động. Thực trạng này đã được tỉnh, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Hồi đầu tháng 8 vừa qua, tại buổi làm việc Đoàn Công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường về hiện trạng Khu công nghiệp Tằng Loỏng, cùng với đề nghị Bộ nghiên cứu, tư vấn cho địa phương các giải pháp nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, đề nghị Chính phủ đưa Khu Công nghiệp Tằng Loỏng vào danh mục các cơ sở ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng, cần tập trung các nguồn lực xử lý…Điều này cho thấy tỉnh đã và đang nghiêm túc đánh giá đúng tình hình và quyết tâm xử lý để trả lại môi trường cho cả một khu vực có hàng nghìn hộ dân sinh sống.

Với quy hoạch lên đến 1 nghìn 100ha, các dự án tại Khu công nghiệp Tằng Lỏong hiện tương đối đã lấp đầy, nhưng điều quan ngại vẫn còn tới 391 hộ dân nằm trong bán kính 200m (tức là khu vực phải di chuyển) để trách những tác động xấu đến sức khoẻ. Tuy nhiên, để di chuyển số hộ dân này phải cần nguồn khi phí 550 tỷ đồng, trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay là rất khó khăn, bên canh nội lực, Lào Cai cũng rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương về nguồn lực. 

Một thông tin đáng chú ý từ Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đó là: qua khảo sát thực tế, có thể nói, Khu công nghiệp Tằng Lỏong là khu công nghiệp ô nhiễm khủng khiếp nhất so với các Khu công nghiệp trên địa bàn cả nước. Cũng theo ông Hoàng Dương Tùng, để từng bước xử lý ô nhiễm môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Lỏong, trước mắt không cấp phép tăng thêm dự án, nhà máy; tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát khí thải, nước thải tự động cho tất cả các nhà máy; rà soát quy hoạch, đánh giá cụ thể sức chịu tải môi trường của Khu công nghiệp Tằng Loỏng làm cơ sở để cấp phép xả thải cho từng nhà máy; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí có thể dừng sản xuất đối với các nhà máy gây ô nhiễm môi trường. 

                        Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết