Giảm nghèo bền vững từ những sản phẩm nông nghiệp chủ lực

21:26 30-12-2019 | :656

Laocaitv.vn - Kết thúc năm 2019, Lào Cai đã đạt mục tiêu về giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra. Mỗi năm, Lào Cai giảm hơn 5% số hộ nghèo đã góp phần làm nên kỳ tích mới, đó là số xã đạt chuẩn xây dựng NTM hiện đã vượt chỉ tiêu Trung ương giao đến năm 2020. Sau 4 năm thực hiện, Chương trình giảm nghèo bền vững giúp bức tranh giảm nghèo ở Lào Cai đã có chiều sâu và khởi sắc hơn.

Cuộc sống của bà con ổn định hơn nhờ phát triển kinh tế từ các cây trồng chủ lực.

Gạo Séng Cù – một trong hàng chục nông sản chủ lực của Lào Cai giờ đã có mặt ở nhiều thị trường trong cả nước. Khi được thụ hưởng dự án sản xuất lúa Séng Cù gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm, đã có 177 hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận cũng như triển khai mô hình giảm nghèo từ việc liên kết sản xuất lúa Séng Cù. Được hỗ trợ về giống và tập huấn kỹ thuật, nông dân xã Nấm Lư, huyện Mường Khương đã phát triển được 46 ha lúa đặc sản, tạo ra giá trị cả chục tỷ đồng, khi mà đơn vị liên kết đã mua thóc tươi tại ruộng với giá 13.000 đồng/kg.

Nhân dân Bắc Hà mở rộng diện tích trồng cây dược liệu.

Ở khu vực vùng cao Bắc Hà, những cách đồng hoa cũng đang mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ vài năm nay, nông dân xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà đã được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo hướng an toàn của Tổ chức Y tế thế giới. Thay cho việc phải đi làm thuê thì nay, những hộ người dân tộc Mông ở Tả Van Chư lại dành thời gian cho những thửa ruộng canh tác dược liệu. Có cây giống để trồng, biết cách chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn và có đầu ra ổn định, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Sau 4 năm triển khai các mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, có thể thấy Lào Cai đã có nhiều thay đổi tích cực trong đời sống và diện mạo tại những vùng sâu, vùng xa. Bằng những kết quả khả quan ấy, các kinh nghiệm tích lũy được tại đây có giá trị là những bài học tham khảo cho các địa phương khác học tập làm theo. Đó là việc tỉnh định hướng theo đúng chỉ đạo của Trung ương đồng thời có sự tham mưu, nghiên cứu sát thực tiễn từ phía phòng nông nghiệp các huyện. Đặc biệt hơn cả, đó chính là sự thành công trong việc kêu gọi được các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất; đồng thời phát huy được vai trò chủ động của người dân khi tham gia mô hình. 

Với nhiều nguồn lực của tỉnh, của Trung ương, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã tập trung nguồn lực vào các địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi, trong đó, Lào Cai là một trong số các địa phương miền núi phía Bắc được quan tâm triển khai Chương trình giảm nghèo. 4 năm tập trung cho mục tiêu giảm nghèo, Lào Cai không chạy theo thành tích mà tập trung cho việc giảm nghèo đi vào thực chất, là cơ sở để tỷ lệ giảm nghèo ở Lào Cai từ 34,3% năm 2015 giảm xuống dưới 10% vào cuối năm 2020.

Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết