Giảm nghèo nhờ áp dụng kỹ thuật trong sản xuất

14:36 05-11-2019 | :687

Laocaitv.vn - Mô hình trồng lạc hàng hóa là một bước thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sự chuyển đổi trong tập quán, cách làm của người dân.

Để phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, những năm gần đây, người nông dân vùng cao Lào Cai đã chủ động tìm những hướng phát triển cây trồng, vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện Bắc Hà là địa phương có nhiều chương trình áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thay cho cây lúa, cây ngô truyền thống, qua đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Huyện Bắc Hà có 20 xã, trong đó 17 xã đặc biệt khó khăn, chính vì vậy phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho nhân dân là nội dung cơ bản của phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Sau vụ lạc bà con đã sớm chuyển sang trồng rau vụ Thu Đông.

Việc tăng cường chỉ đạo, chủ động, sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, với hướng đi phù hợp đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 27 triệu đồng/năm, giảm được trên 1.300 hộ nghèo và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà là địa phương sớm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thay vì trồng lạc để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, người dân xã Nậm Mòn bắt tay vào trồng lạc đỏ theo quy mô hàng hóa, trên diện tích trồng ngô kém hiệu quả trước kia. Trồng lạc đỏ áp dụng kĩ thuật mới đã mang lại những mùa lạc bội thu.

“Trước kia chúng tôi cũng trồng, nhưng không được như bây giờ. Bây giờ có cán bộ xuống hướng dẫn cách làm đất, đánh luống trồng lạc nên hiệu quả, năng suất cao hơn” - bà Thèn Thị Nhì, thôn Nậm Mòn, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà nói.

Mô hình trồng lạc hàng hóa đánh dấu một bước thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Nậm Mòn. Không chỉ là chuyển sang canh tác theo mô hình mới, mà đó còn là sự chuyển đổi trong tập quán, cách làm, từng bước tiếp cận với khoa học, kĩ thuật.

Hầu hết diện tích trồng ngô kém hiệu quả đã chuyển sang trồng lạc và hoa màu.

Bắt tay tham gia mô hình trồng lạc, người dân Nậm Mòn nhận được nhiều sự hỗ trợ về giống, vật tư, nhưng quan trọng nhất chính là kĩ thuật canh tác mới từ phía chính quyền địa phương.

“Sau khi được hỗ trợ, chúng tôi sẽ biết cách làm mới, không làm đại trà như trước, sẽ đánh luống, trộn phân theo tỷ lệ đã hướng dẫn, làm cỏ chứ không phun thuốc như ngày xưa nữa. Mô hình cứ làm theo khuyến nông hướng dẫn, tôi tin tưởng sẽ thành công, đạt kết quả cao” - chị Hoàng Thị Lần, thôn Nậm Mòn, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà chia sẻ.

Năm nay, xã Nậm Mòn trồng 65 ha cây lạc đỏ, trong đó trung tâm khuyến nông hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh trồng lạc đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP trên quy mô 14 ha. Anh Thèn Văn Đông, cán bộ Khuyến nông xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà cho biết: Để xóa bỏ tâm lý e ngại của người dân, các cán bộ khuyến nông thường xuyên cầm tay chỉ việc cho bà con.

“Mấy năm đầu chúng tôi chỉ làm 1-2 ha thử nghiệm thôi sau khi kết thúc mô hình chúng tôi sẽ mời bà con đến xem kết quả năng suất cũng như cách làm. Từ đó bà con sẽ tự bảo nhau chứ chúng tôi không phải vất vả tuyên truyền” - anh Đông cho biết.

Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đối với một huyện vùng cao còn khó khăn như huyện Bắc Hà thì vấn đề vốn đầu tư là vô cùng quan trọng.

Ông Bùi Công Khanh, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai cho biết: Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng kỹ thuật theo hướng hàng hóa đều đang thiếu vốn. Xây dựng nông thôn mới Lào Cai còn nhiều khó khăn, nhưng khó khăn nhất nguồn lực đầu tư của trung ương về tỉnh còn hạn chế chỉ đáp ứng khoảng 15- 20% so với nhu cầu địa phương.

Mô hình trồng lạc đỏ tại xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà là điển hình trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, khai thác tiềm năng thế mạnh về sản phẩm đặc sản truyền thống địa phương, từ đó từng bước xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới./.

Mạnh Phương/VOV1


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết