Laocaitv.vn - Không phải ngẫu nhiên mà trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn được tỉnh Lào Cai chọn đi trước một bước và ưu tiên nguồn lực triển khai. Thực tế cho thấy: phát triển giao thông nông thôn không những tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội, mang lại sự thuận lợi đi lại cho người dân, mà giao thông còn mang tính chất mở đường cho việc thực hiện các tiêu chí khác của nông thôn mới trên địa bàn.
Được chọn là khâu đột phá, phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai những năm qua có thể nói là phong trào lớn nhất, sâu rộng nhất và cũng huy động được sức người, sức của lớn nhất so với các tiêu chí khác của nông thôn mới. Không ai khác, chính những người nông dân gắn bó với bản làng mới cảm nhận được sự đổi thay của quê hương mình khi mà mỗi con đường được mở mởi, được nâng cấp. Đường mới không những đem đến cho bà con sự thuận tiện trong đi lại, con trẻ đến trường đều đặn, mà còn mang đến cơ hội để mỗi người dân có thêm cách thoát nghèo, vươn lên là giàu. Nổi tiếng với vùng lúa Séng cù, trước đây, khi chưa có con đường thuận tiện vào thôn, gia đình anh Vàng Văn Páo, thôn Na Pạc Đỏong, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương cùng bà con trong thôn chỉ biết canh lúa đủ ăn, muốn bán cũng bị cách trở bởi con đường vận chuyển. Nhưng mọi chuyện đã đổi thay từ khi con đường vào thôn được mở mới, anh Páo cùng hàng trăm hộ dân trong thôn và thôn lân cận đã bắt tay vào canh tác, mở rộng diện tích, tăng năng suất và bây giờ, lúa Séng cù vốn nổi tiếng bởi hạt gạo dẻo, thơm ngon đã thành hàng hoá, sẵn sàng cung ứng cho khách gần xa khi có nhu cầu.
Người dân tích cực hưởng ứng xây dựng đường giao thông nông thôn
Có thể nói, những năm qua phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo tiêu chí nông thôn mới đã nhận được sự đón nhận, ủng hộ toàn diện của người dân. Từ chủ trương đúng, trúng đến cách thức triển khai, trong khi chỉ có một phần kinh phí hỗ trợ của nhà nước, nhân dân ở khắp các địa phương trong tỉnh đều sẵn sàng đóng góp ngày công lao động, nguyên vận liệu, rồi tình nguyện hiến đất mở đường. Từ những con đường nối gần khoảng cách giữa các thôn đến trung tâm xã, đến đường trục chính nội đồng và gần hơn nữa là đường ngõ xóm liên tục được cứng hoá, không còn cảnh lội, trơn trượt trong mùa mưa. Riêng trong năm 2017 vừa qua, toàn tỉnh đã thi công được trên 800km đường giao thông nông thôn (gồm bê tông xi măng gần 450km; rải cấp phối gần 250km và mở mới trên 100km). Bên cạnh đó, nhân dân các địa phương cũng đã tham gia hàng trăm nghìn nghìn ngày công lao động, hiến đất phục vụ cho việc mở đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình hạ tầng khác theo tiêu chí nông thôn mới. Mỗi con đường được mở mới lại có thêm 1 hoặc nhiều thôn bản được kết nối giao thương, thuận lợi cho đi lại, kinh tế - xã hội, đời sống tinh thần của bà con theo đó cũng đối thay đáng kể. Bà Nguyễn Thị Phương, một hộ dân thôn Làng Chung, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng cho biết: Khi chưa có đường, 1 cây mỡ khai thác bà chỉ bán được với giá 10 nghìn đồng, nhưng sau khi làm đường, xe ô tô vào được tận địa điểm thu mua, 1 cây gỗ mỡ có thể bán được với giá lên đến 20 nghìn đồng. Đấy là cái lợi về kinh tế đã nhìn thấy, còn có cái lợi lớn hơn, lâu dài hơn đó là trẻ con trong thôn được đến trường đều đặn thay vì phải nghỉ học ngày mưa gió, các hoạt động giao lưu văn hoá cũng từ đây mà được nhân rộng.
Những con đường êm thuận trải dài thôn bản vùng cao đã thúc đẩy KTXH phát triển
Có thể nói, trong 19 tiêu chí, giao thông là 1 trong những tiêu chí đặc biệt quan trọng. Xác định rõ điều này, tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong tổ chức thực hiện. Ở mỗi địa phương, căn cứ điều kiện thực tế, nguồn lực, có sự sáng tạo trong việc huy động sức dân, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn, trong đó, ngày công lao động, nguyên vật liệu tại chỗ, chủ yếu là cát sỏi được huy động; xi măng phục vụ cho việc bê tông hoá các tuyến đường cũng nhận được sự vào cuộc của các công ty, doanh nghiệp sản xuất; những khó khăn trong đó nợ đọng làm đường là có, nhưng cơ bản được giải quyết, công tác giải phóng mặt bằng nhận được sự đồng thuận cao của người dân, không phát sinh hệ luỵ xấu. Đường mở đến đâu, các hoạt động giao thương, văn hoá được nối dài, không những thế, đường giao thông còn là điều kiện quan trọng, không thể thiếu để các tiêu chí khác được triển khai thuận lợi hơn, như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, tiêu chí vệ sinh môi trường, đặc biệt là các tiêu chí liên quan đến văn hoá, thể thao.
Mở mới những con đường không chỉ giúp nối gần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, giữa các thôn bản trong cộng đồng dân cư, mà rộng hơn, sâu xa hơn, nó là tiêu chí mở đường cho tổng thể các tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nên những đổi thay to lớn về vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Phương Liên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết