Laocaitv.vn - Tỉnh Lào Cai có diện tích rừng tự nhiên lớn, tập trung chủ yếu ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với những luật tục và nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng, mỗi cộng đồng thôn bản đang có nhiều biện pháp bảo vệ lá phổi xanh của quốc gia.
Tổ tuần tra bảo vệ rừng tuần tra kiểm soát các cánh rừng.
Mỗi tháng 2 lần, Tổ tuần tra bảo vệ rừng của thôn Pờ Chồ Cao, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát sẽ chia nhóm để vào rừng. Vật dụng mang theo là dao phát, bình nước và lương thực đủ dùng cho 2 đến 3 ngày. Từ 7 đến 10 người, các thành viên trong tổ đi vào sâu trong những cánh rừng nhằm phát hiện sớm những vi phạm trong công tác bảo vệ rừng. Đồng thời tuyên truyền để Nhân dân địa phương hiểu rõ ý nghĩa của việc bảo vệ rừng. Anh Lý A Xóa, thôn Pờ Chồ Cao, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát cho biết: "Chúng tôi tuyên truyền cho dân không chặt phá rừng. Mùa nắng nóng khô thì cấn cần lủa hay là đi rừng thì không được hút thuốc lào để phòng chống cháy rừng".
Một trong những điều kiện để các thôn bản vùng cao của Lào Cai giữ được những cánh rừng già chính là các luật tục trong bảo vệ rừng. Các luật tục này được xây dựng một phần dựa vào các quy định của pháp luật. Nhờ thế, người dân đồng thuận tuân theo. Không chặt phá cây rừng, không đốt nương làm rẫy hoặc khi có xảy ra cháy rừng, người dân ở tất cả các thôn bản đều được huy động, hỗ trợ chữa cháy rừng. Anh Chảo Kim Minh, thôn Can Hồ A, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết: "Rút quỹ về là 197 triệu đồng, phát cho dân 100 triệu đồng, còn giữ lại để đi tuần tra, phòng cháy chữa cháy. Có tiền dịch vụ đấy bà con rất phấn khởi".
Luật tục trong bảo vệ rừng được các thôn bản vùng cao của Lào Cai thực hiện nghiêm túc.
Với nguồn dịch vụ môi trường rừng, người dân có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng hằng năm. Minh chứng là, 634 cộng đồng thôn bản bảo vệ rừng đã được duy trì cả chục năm nay và số tiền cộng đồng được hưởng cho công tác bảo vệ rừng năm 2021 lên đến 61 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Đăng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai cho biết: "Cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ rừng đặc biệt quan trọng, do chính đồng bào địa phương, chính tổ đội họ tuần tra canh gác, bảo vệ rất hiệu quả. Đối với với cán bộ thì thực hiện công tác chỉ đạo, nắm bắt tình hình, còn trực tiếp bảo vệ rừng là người dân địa phương ở các địa bàn cụ thể".
Bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng – cách làm tuy không mới nhưng luôn được người dân ủng hộ. Bởi giữ được rừng, trước hết là người dân có nguồn nước phục vụ đời sống nhưng đồng thời, cũng có nguồn thu nhập hỗ trợ nâng cao cuộc sống từ nguồn dịch vụ môi trường rừng.
Ngọc Hà – Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết