(Laocaitv.vn) - Phát triển kinh tế cửa khẩu được xác định là một trong 3 trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh Lào Cai hiện nay. Để phục vụ mục tiêu này, đồng thời hỗ trợ tốt các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại qua tuyến biên giới của tỉnh. Thời gian qua, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai các dịch vụ thanh toán quốc tế và thanh toán biên mậu.
Năm 1997, Ngân hàng Agibank Lào Cai bắt đầu thực hiện thanh toán biên mậu với các ngân hàng của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Dịch vụ thanh toán biên mậu của Agribank Lào Cai đã mang lại hiệu quả rất to lớn, khẳng định đây là một phương thức thanh toán quốc tế mới, phù hợp với hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, đồng thời cũng hết sức nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngân hàng hai bên cũng đã phối hợp triển khai thực hiện và phát triển các nghiệp vụ mới mang tính quốc tế như: bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền ứng trước đảm bảo an toàn tuyệt đối và được đông đảo doanh nghiệp, thương nhân đánh giá cao. Cho đến nay, Ngân hàng Agribank Lào Cai là đơn vị hàng đầu trong thực hiện thanh toán biên mậu trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, thông qua các chương trình hội đàm hay gặp mặt giao lưu, lãnh đạo ngân hàng hai bên đã thống nhất, không ngừng đẩy mạnh tăng cường giao lưu, hoàn thiện phương thức hợp tác, tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả thanh toán biên mậu.
Hệ thống Ngân hàng của tỉnh đẩy mạnh thực hiện dịch vụ thanh toán biên mậu
Ngân hàng Vietcombank Lào Cai và Hợp tác xã tín dụng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã ký biên bản hợp tác nhằm thực hiện các dịch vụ thanh toán biên mậu qua biên giới, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện thanh toán qua biên giới.
Tính đến cuối năm 2016, Doanh số thanh toán biên mậu của Ngân hàng Vietcombank Lào Cai đạt gần 40 triệu nhân dân tệ. Trong năm 2017, dịch vụ thanh toán biên mậu có những tăng trưởng đáng ghi nhận. 9 tháng qua doanh số đã đạt hơn 50 triệu nhân dân tệ. Trong thời gian tới, Ngân hàng Vietcombank Lào Cai sẽ tiếp tục chú trọng phát triển và mở rộng các dịch vụ thanh toán qua biên giới. Đặc biệt là tăng cường mối quan hệ hợp tác với các ngân hàng bên Trung Quốc để nâng cao chất lượng thực hiện thanh toán biên mậu.
Như vậy có thể thấy, thanh toán biên mậu qua hệ thống ngân hàng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại vùng biên. Ngoài ý nghĩa phục vụ hoạt động thương mại biên giới, hệ thống ngân hàng đã góp phần thực thi chức năng quản lý của Nhà nước về tiền tệ trên địa bàn các tỉnh biên giới, phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu tạo động lực quan trọng để địa phương ngày càng phát triển.
Vinh Quang – Thanh Sơn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết