Laocaitv.vn - Với mục tiêu thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường nông thôn và chống thả rông gia súc, phục vụ cho việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp trên địa bàn, từ năm 2016, huyện Sa Pa đã xây dựng Đề án chống thả rông gia súc và giao cho Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo hội nông dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Đến nay, đề án đã được thực hiện tại 04 cụm xã với 15 xã, thị trấn và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.
Do tập tục thả rông gia súc đã có từ lâu đời, nên việc triển khai đề án còn gặp nhiều khó khăn.
Trước đây, gia đình anh Sùng A Dơ, ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Sử Pán nuôi trâu chủ yếu là thả rông ngoài ruộng hoặc trên rừng, vì vậy, việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh bị hạn chế, nhất là vào mùa đông do rét đậm, rét hại kéo dài làm trâu bị chết. Những năm gần đây, được sự tuyên truyền từ cán bộ xã và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn huyện, anh Dơ đã quyết định đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ voi để nuôi trâu nhốt chuồng, kết hợp chăn thả có sự giám sát của các thành viên trong gia đình để tránh phá hoại mùa màng làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương. Anh Dơ chia sẻ: "Trước đây cứ thả trâu ra là cho nó đi cả ngày xong tự nó về, nhưng bây giờ xã tuyên truyền cho người dân không thả trâu, tất cả phải nhốt trâu trong chuồng đi cắt cỏ về cho nó ăn thì vệ sinh đường nông thôn mới sạch được và trâu không phá hoại hoa màu được, còn nếu muốn thả thì phải có người đi theo".
Sử Pán là một trong những địa phương triển khai thực hiện đề án vào đầu năm 2019 cùng với các xã khác là Thanh Kim, Bản Phùng, Suối Thầu và Nậm Cang, thế nhưng chỉ sau 8 tháng thực hiện, bộ mặt nông thôn ở địa phương này đã có sự thay đổi rõ rệt. Xác định, xây dựng nông thôn mới trước hết là làm mới ý thức của người dân, vận động nhân dân bỏ những thói quen sinh hoạt lạc hậu, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung vào tiêu chí về môi trường và chống thả rông gia súc bởi đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất nhưng thiết thực đối với người dân. Chính vì vậy, ngay sau khi được Hội Nông dân huyện triển khai thực hiện đề án, Sử Pán đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện thành lập các tổ công tác, đến từng hộ tuyên truyền, vận động, ký cam kết để người dân nâng cao nhận thức trong việc nuôi nhốt gia súc, làm chuồng trại và dự trữ thức ăn trong những ngày mưa rét, hạn chế tình trạng thả rông gia súc, bảo vệ mùa màng. Tính đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã đã thực hiện nuôi nhốt hoặc chăn thả có sự giám sát của người dân. Chính điều này đã góp phần làm cho Sử Pán trở thành một trong những địa phương tiểu biểu về môi trường xanh - sạch - đẹp của huyện Sa Pa. Ông Tẩn A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Sử Pán cho biết: "Nhận thức của nhân dân hiện nay cơ bản là đã thay đổi, thậm chí là họ đã biết dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông, trồng cỏ voi để phục vụ cho chăn nuôi, vấn đề chống thả rông gia súc trên địa bàn cơ bản là đảm bảo. Khi mà mọi người dân ý thức được những tác hại trong việc thả rông gia súc, thì vấn đề trồng cây xanh và cảnh quan trên địa bàn không bị gia súc phá nữa, vì vậy vấn đề thực hiện sáng - xanh - sạch ở xã là rất đảm bảo".
Tuy nhiên khi triển khai đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.
Qua 03 năm triển khai Đề án chống thả rông gia súc, các cấp hội trong huyện đã tổ chức được 625 buổi tuyên truyền cho trên 20.000 lượt hội viên, nhân dân tham dự. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo tổ chức hội các xã tham mưu với UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch triển khai ký giao ước với các trưởng thôn, bản thực hiện tuyên truyền, ký cam kết đến 100% hộ dân chăn nuôi trên địa bàn. Từ đó đã mang lại hiệu quả tích cực, nhận thức của hội viên nông dân được nâng lên, tình trạng thả rông gia súc tại các địa phương thực hiện đề án đã giảm, góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất tăng vụ trên địa bàn. Tính đến nay, trên 4.460 hộ chăn nuôi đã có chuồng kiên cố đảm bảo, chiếm gần 95% tổng số hộ chăn nuôi toàn huyện; gần 1.500 hộ chăn nuôi thực hiện việc trồng cỏ dự trữ thức ăn cho gia súc với diện tích gần 100 ha; trên 4.000 hộ chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc. Ông Trần Phong Ba, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sa Pa cho biết: "Hàng năm chúng tôi xây dựng kế hoạch và thực hiện chống thả rông gia súc, đến nay kết quả đã triển khai thực hiện được 15/15 xã, còn 03 xã thì cuối năm nay chúng tôi sẽ triển khai ký cam kết. Các xã nói chung triển khai thực hiện rất tốt, tận dụng nguồn phân bón đưa ra đồng ruộng, chống rét cho gia súc, đảm bảo việc tăng vụ trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay có 115 thôn, bản thì đã có 29 thôn bản thực hiện rất tốt việc này".
Với những chuyển biến tích cực sau hơn 03 năm triển khai, bước đầu các xã thực hiện đề án đã làm tốt công tác vệ sinh môi trường nông thôn và chống thả rông gia súc. Tuy nhiên do tập tục thả rông gia súc đã có từ lâu đời trong cộng đồng dân cư tại các thôn, bản vùng cao nên việc triển khai thực hiện phong trào vệ sinh môi trường nông thôn và chống thả rông gia súc trên địa bàn huyện Sa Pa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương, để công tác này đạt thêm nhiều kết quả tích cực, góp phần phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương./.
Huyền Trang
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết