Hiệu quả từ việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất

11:19 23-10-2019 | :2113

Laocaitv.vn - Trong thời kỳ 4.0 hiện nay, việc chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất sẽ giúp giảm giá thành, tạo lợi thế cạnh tranh đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế bền lâu cho các doanh nghiệp. Xác định như vậy nên thời gian qua đã có khá nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng dây chuyền công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình.

Trước đây, Công ty Cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu Phú Hưng sử dụng công nghệ cũ trong sản xuất, nên việc bốc xếp gạch vào lò đều do con người đảm nhiệm với giá nhân công 300.000 đồng/người/ngày. Năng suất thấp, chi phí lớn, quá trình bốc xếp nhiều khi còn khiến gạch bị xô lệch, đổ vỡ. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư 4 rô-bốt thay người làm công việc xếp, dỡ gạch. “Một con rô-bốt gắp gạch lên từ khuôn đùn, tạo hình, còn 3 con gắp gạch xuống lò. Nếu để lao động thủ công làm như ngày trước, phải kéo xe ra phơi, rồi lại bốc về đưa vào lò nung đốt thì rất tốn công lao động. Bây giờ chỉ với 4 con rô-bốt đã thay thế được cả trăm lao động. Đây là tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mà công ty tiếp cận và sử dụng”, ông Lại Thế Đông, Giám đốc Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu Phú Hưng cho biết thêm.

Với những cánh tay rô-bốt này đã giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí thuê nhân công.

Còn tại Hợp tác xã Hoa Lợi ở xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai, đơn vị này đã đầu tư dây truyền sản xuất tương ớt với khoản kinh phí bỏ ra không hề nhỏ. Dây truyền này không những khắc phục tối đa những hạn chế về chất lượng cũng như hình thức, mẫu mã của sản phẩm tương ớt, mà còn giúp đơn vị thuận lợi hơn trong việc đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Dây chuyền sản xuất tương ớt được tự động hóa của Hợp tác xã Hoa Lợi giúp đa dạng hóa sản phẩm.

Sau khi khảo sát nắm rõ lợi thế về thổ nhưỡng, tiềm năng của diện tích và sản lượng thu hoạch được từ những cây chè cổ, Hợp tác xã chè Bản Liền đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, vừa bao tiêu toàn bộ vùng nguyên liệu, vừa giúp bà con không còn phải vất vả sao, sấy chè bằng phương pháp thủ công như trước; đồng thời tạo thêm việc cho nhiều lao động với thu nhập khá ổn định. Thông qua hoạt động sản xuất bằng máy, thành phẩm chè của đơn vị cũng luôn đồng đều về chất lượng, mẫu mã, được nhiều đối tác ghi nhận, đặt hàng để xuất sang thị trường châu Âu.

Không chỉ 3 cơ sở sản xuất nêu trên, mà trong thời gian qua, mặc dù còn gặp khó khăn song đã có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động tranh thủ các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước, thậm chí không ngần ngại khai thác các nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại ứng dụng vào sản xuất. Mỗi cơ sở có những ngành nghề, điều kiện, cũng như quy mô đầu tư khác nhau, song rõ ràng sự thay đổi ấy đã giúp họ vững bước hơn trên thương trường.

 Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết