Hồi sinh từ các làng nghề truyền thống

10:05 12-12-2019 | :2290

Laocaitv.vn - Lào Cai hiện có 20 làng nghề truyền thống, 17 nghề truyền thống. Việc bảo tồn, duy trì và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, đồng thời khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm truyền thống trên thị trường. Đặc biệt, phát triển làng nghề cũng góp phần tận dụng được nguồn lực tại chỗ, phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Rượu ngô Bản Phố sẵn sàng cung cấp hàng nghìn lít rượu cho thị trường Tết Nguyên Đán sắp tới.

Những ngày này, các lò nấu rượu ngô Bản Phố luôn đỏ lửa, sẵn sàng cung cấp hàng nghìn lít rượu cho thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Điều quan trọng nhất giúp rượu ngô Bản Phố nức tiếng gần xa chính là men Hồng my, loại men bí truyền của đồng bào Mông mà không nơi nào có được. Nếu thiếu loại men này, rượu Bản Phố sẽ mất đi hương vị đặc trưng, không còn là sản phẩm đặc sản của vùng đất này nữa. Những hộ nấu rượu tại Bản Phố vẫn đang nỗ lực để gìn giữ thương hiệu rượu ngô truyền thống của dân tộc mình. Sau một thời gian trầm lắng, nghề nấu rượu ngô truyền thống ở Bản Phố đang hồi sinh mạnh mẽ. Đặc biệt, từ khi có nông thôn mới, rồi hợp tác xã nấu rượu được thành lập với 11 thành viên tham gia, đến giờ sản phẩm rượu ngô Bản Phố đã được lựa chọn là sản phẩm OCOP với chứng nhận 4 sao. Phát triển làng nghề nấu rượu gắn với du lịch cộng đồng cũng là định hướng phát triển kinh tế hiệu quả mà Bản Phố đang hướng tới. Ông Lê Tiến Tùng, Chủ tịch UBND xã Bản Phố, huyện Bắc Hà cho biết: "Bây giờ rượu Bản Phố đã có thương hiệu rồi, lại gắn với phát triển du lịch cộng đồng thì sẽ hiệu quả. Chúng tôi tin tưởng hướng đi này, kết hợp với các mũi nhọn kinh tế ở địa phương sẽ mang lại thu nhập cao cho bà con nhân dân".

Còn tại xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai, nhiều hộ dân thôn Seng Sui cũng đã vươn lên trong cuộc sống nhờ duy trì và phát triển nghề nấu rượu ngô truyền thống. Hiện Seng Sui có tới 60 hộ dân nấu rượu. Đặc biệt là từ tháng 12/2018, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận đây là làng nghề, bà con nhân dân nơi đây càng gắn bó hơn với nghề truyền thống này. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Si Ma Cai đã có những chính sách hỗ trợ người dân duy trì, thúc đẩy làng nghề phát triển. Hiện, trên địa bàn huyện có 04 làng nghề, gồm: Làng nghề nấu rượu ngô truyền thống, làng nghề dệt thổ cẩm tại xã Cán Cấu, nghề làm hương tại xã Sán Chải và làng nghề làm phở ở xã Nàn Sán. Các làng nghề đến nay đều duy trì, phát triển hiệu quả, với sự tham gia của trên 170 hộ dân. Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Si Ma Cai cho biết: "Trước mắt, huyện tập trung duy trì phát triển các làng nghề đã được công nhận. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực vận động người dân tham gia và phát triển làng nghề. Về phía huyện sẽ đồng hành với các làng nghề, với người dân".

Làng nghề làm phở ở xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai.

Gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại không chỉ là giải pháp để các địa phương phát triển kinh tế, tạo việc làm nâng cao đời sống cho người lao động mà còn mang một ý nghĩa hết sức quan trọng là gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa của quê hương, đóng góp vào phát triển du lịch. Trong thời gian tới, bản thân các làng nghề phải tăng nội lực bằng cách cải tiến chất lượng sản phẩm, chú trọng đến bảo vệ môi trường. Đồng thời, ngành Văn hóa, du lịch tại các địa phương có làng nghề cần tiếp tục quan tâm nâng cao nhận thức của những người trong làng nghề về giá trị của du lịch đem lại cũng như các kiến thức làm du lịch để giúp làng nghề phát triển bền vững./.

Thu Hường – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết