Hợp tác xã liên kết sản xuất - điểm tựa cho bà con nông dân vùng cao

08:00 25-06-2021 | :409

Laocaitv.vn - Chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là những định hướng mới cho phát triển nông nghiệp ở vùng cao Lào Cai. Và để tạo thêm động lực hỗ trợ cho nông dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, việc hình thành, nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất có ý nghĩa quan trọng.

Vài năm trở lại đây, bà con nông dân ở thôn Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai đã tiếp cận trồng các loại cây dược liệu như đương quy, tam thất. Cùng với việc hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật canh tác, HTX Mản Thẩn cũng mua máy móc về sản xuất, chế biến các loại cây dược liệu thành những sản phẩm dễ sử dụng như trà túi lọc tam thất, bột tam thất... đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm trà tam thất của HTX đã được chọn là 1 trong 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lào Cai năm 2020.

Bà Sùng Thị Pằng, ở thôn Mản Thẩn cho biết: “Trước kia gia đình cũng có trồng một ít cây đương quy để dùng, bây giờ thì trồng nhiều để bán. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia HTX Mản Thẩn, công việc chế biến, sản xuất cũng không khó vì đã có máy móc hỗ trợ”.

Thành viên HTX Mản Thẩn đóng gói các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu.

Vùng cây ăn quả ôn đới của Quan Hồ Thẩn đang vào vụ thu hoạch, để quả lê, mận được tiêu thụ thuận lợi, đã có những giải pháp tích cực từ cấp ủy chính quyền địa phương để hỗ trợ, kết nối tiêu thụ. Cùng với đó là xúc tiến thành lập HTX về cây ăn quả, đây được coi là giải pháp có hiệu quả bền vững.

Anh Tráng Seo Xà, Bí thư Đoàn thanh niên xã Quan Hồ Thẩn cho biết: “Qua khảo sát thì các đoàn viên thanh niên cũng như các hộ dân trồng cây ăn quả có nhu cầu liên kết với nhau để thành lập HTX và tổ hợp tác. Qua đó có cơ sở để hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, phân bón cho bà con, cũng như tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn”.

Nhiều hộ trồng cây ăn quả ở Si Ma Cai có nhu cầu liên kết thành lập HTX để thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Để HTX nông nghiệp hoạt động thực chất và hiệu quả, xã Quan Hồ Thẩn cũng xác định cần gắn với thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi của hộ dân, từ phân tán sang tập trung có đầu tư thâm canh; tạo chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và tận dụng được lợi thế đất đai, lao động địa phương.

Hiện, toàn tỉnh có 222 HTX nông nghiệp, trong đó có 180 HTX đang hoạt động cho hiệu quả. Việc phát triển các HTX, tổ hợp tác sẽ thúc đẩy sản xuất sản phẩm nông nghiệp ở khu vực nông thôn miền núi ngày một phát triển bền vững, góp phần hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu. Mô hình kinh tế tập thể sẽ từng bước giúp người nông dân tránh được tình trạng “được mùa, mất giá”, có thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo.

Thu Hường – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết