HTX Miến Đao Thành Sơn ghi danh thương hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm

09:46 22-09-2017 | :3178

Vùng cao Bát xát của tỉnh Lào cai có rất nhiều sản vật nông sản độc đáo được chứng nhận thương hiệu sản phẩm, trở thành hàng hoá có giá trị nuôi sống rất nhiều hộ dân. Sau Rượu thóc Shan Lùng; gạo Séng Cù Mường Vi, sản phẩm Miến Dong của xã Hợp tác xã Thành Sơn - Bản Xèo tiếp tục được ghi danh thương hiệu. Với việc sử dụng nguồn bột nguyên liệu 100% nguyên chất từ củ Đao giềng đỏ; qui trình chế biến theo phương pháp thủ công, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm Miến đao Thành Sơn đã được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2017. Miến Đao Thành Sơn đang giúp hàng trăm hộ nông dân ở vùng cao Bản Xèo, Dền Thàng có thêm thu nhập, từng bước giảm nghèo.

Chính thức được Bộ Nông nghiệp Việt nam cấp giấy chứng nhận Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua, sản phẩm miến đao Thành Sơn – xã Bản Xèo – huyện Bát Xát đã ghi tên mình vào danh sách những hàng hoá đặc sản nông sản có tính chất vùng miền, do những người nông dân vùng cao Bản Xèo – Bát xát sản xuất. Đó cũng là những điều kiện cần thiết, để sản phẩm Miến Đao Thành Sơn đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ nông dân trồng cây Đao riềng đỏ - nguồn nguyên liệu đặc hữu được sử dụng để sản xuất ra mặt hàng Miến  Đao Thành Sơn  ngày càng được người tiêu dùng chấp nhận.

Trong quá khứ, vài chục năm trước, Miến Đao Thành Sơn – Bản Xèo – Bát Xát  đã từng nổi tiếng. Đó là vào thời gian cuối thập kỉ 60 – đầu 70 của thế kỉ trước, khi những người dân Đồng Sơn, Nam Trực (Nam Định) nghe theo lời Đảng và Chính Phủ  lên khai hoang, xây dựng  vùng kinh tế mới ở Bản Xèo. Dựng lên thôn mới với tên gọi Thành Sơn -  những ngày đầu tìm kế mưu sinh, bà con  đã tìm ra nguồn nguyên liệu làm miến đao là cây Đao giềng đỏ mọc hoang bạt ngàn trên núi Bản Xèo. Vậy là những hộ dân  biết tính toán, nhanh nhạy nhất ở thôn Thành Sơn đã khăn gói trở về quê hương học nghề làm miến rồi  ngược núi lên Bản Xèo bắt tay vào sản xuất.

 Những mẻ miến đao đầu tiên sản xuất ra ngay lập tức đã được bà con quanh vùng chấp nhận. Sản phẩm Miến Đao Thành Sơn khác biệt đối với Miến đao của các  địa phương khác bởi nguyên liệu sử dụng 100% là bột đao giềng đỏ. Sợi miến khi nấu giòn, dai sợi nhưng lại mềm, lỡ quá lửa cũng không nát.  Nước nấu miến không bao giờ đục và  cho hương vị riêng biệt. Tiếng lành đồn xa, từ Mường Hum, Bản Vược, tiếng tăm của miến Đao Bản Xèo dần lan ra khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Thời hoàng kim, vào mùa sản xuất ( thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch và chỉ kéo dài trong 03 tháng) những hộ dân làm miến Đao ở Bản Xèo mỗi vụ làm ra cả tấn Miến sợi. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Chiến tranh biên giới năm 1979, rồi việc di chuyển thị trấn huyện lỵ Bát Xát ra khỏi khu vực Bản Xèo khiến nghề làm miến Đao của người dân Thành Sơn mai một,  bỏ bẵng đi mất vài chục năm. Chỉ đến cuối năm 2012,  khi ngành Nông Nghiệp chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tư vấn,  khuyến khích người dân  xã Bản Xèo khôi phục nghề làm miến thông qua việc thành lập Hợp tác xã Thành Sơn và hỗ trợ đầu tư dây chuyền trang thiết bị chế biến củ Đao riềng với kinh phí gần 1 tỷ đồng bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương địa phương cũng vào cuộc bằng việc cho Hợp tác xã Thành Sơn được sử dụng mặt bằng và khu vực nhà công nhân của nhà máy thủy điện với diện tích 10.000 m2 để làm xưởng sản xuất Miến đao.

Rất nhanh chóng, Miến đao Thành Sơn lấy lại được tiếng vang của mình, nhanh chóng được thị trường tiêu thụ chấp nhận. Chỉ tính riêng năm 2016 Hợp tác xã Thành Sơn sản xuất được 35 tấn miến đao, tạo công ăn việc làm thường xuyên  cho 26 lao động ( là xã viên hợp tác xã)  với thu nhập bình quân  từ 4,5 - 05 triệu đồng/ người/ tháng.

Sau gần hơn 6  năm chính thức bắt tay vào sản xuất, đến nay, Hợp tác xã Miến Đao  Thành Sơn đã xây dựng được vùng trồng nguyên liệu cây Đao riềng đỏ khoảng 350ha với trên 400 hộ dân tham gia sản xuất, tập trung  03 xã Bản Xèo, Pa cheo và Dền Thàng. Tính từ thời điểm tháng 11/2016 đến tháng 02/2017,  Hợp tác xã Miến đao Thành Sơn đã  thu mua  trên 6.000 tấn củ tươi với  mức giá bình quân 2.500 đồng/1kg, chế biến  khoảng 500 tấn tinh bột làm miến. Với mức giá bán ra thị trường là 80 ngàn đồng/kg. Miến đao Thành Sơn – Bản Xèo tuy đắt hơn đôi chút so với nhiều loại miến trên thị trường, nhưng người tiêu dùng sau khi đã ăn thử đều dễ dàng chấp nhận, khiến đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi. Sản phẩm Miến Đao Thành Sơn  đã được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu sản phẩm tin cậy, sản phẩm ưa dùng, dịch vụ hoàn hảo. Và mới đây nhất,  sản phẩm  tiếp tục  được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  chứng nhận đạt Danh hiệu vàng Nông sản Việt nam năm 2017. Ông Vương Mạnh Tuấn– Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Xèo cho biết: việc được nhận danh hiệu vàng Nông nghiệp Việt nam năm 2017 sẽ giúp Sản phẩm Miến đao Thành Sơn có chỗ đứng vững  hơn trên thị trường. Chính vì vậy, để đảm bảo thương hiệu, Hợp tác xã sẽ có những kiểm soát khắt khe hơn trong các khâu sản xuất và chế biến, đồng thời tiếp tục cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, để mặt hàng nông sản hướng tới thị trường rộng rãi trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Cũng bắt đầu từ năm nay, Hợp tác xã Thành Sơn triển khai việc mở rộng vùng nguyên liệu. Theo đó, kế hoạch đặt ra là nâng tổng diện tích trồng cây Đao riềng  từ 350 ha hiện nay lên 600 ha. Đồng thời, mở rộng quy mô, nâng cấp nhà xưởng sản xuất, lắp đặt thêm 03 máy nghiền liên hoàn, lắp đặt trạm biến áp 180 KVA để đảm bảo hoạt động sản xuất miến đạt hiệu quả cao trong năm 2017.

Với việc nâng cấp hệ thống nhà xưởng sản xuất, đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm….Hợp Tác xã Miến Đao Thành  Sơn và chính quyền xã Bản Xèo hy vọng mặt hàng nông sản  của mình sẽ  có mặt khắp mọi miền, ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn, là cơ hội để người dân địa phương xoá đói, giảm nghèo.

An Hồng

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết