Hướng đi mới trong nuôi cá tầm ở Sa Pa

10:38 08-06-2020 | :2556

Laocaitv.vn - Sa Pa luôn được biết đến là địa phương nuôi cá nước lạnh nổi tiếng của cả nước và khu vực xã Ngũ Chỉ Sơn luôn được coi là “thủ phủ” cá tầm, cá hồi Sa Pa. Tuy nhiên, ngoài địa phương này thì tại xã Tả Van việc nuôi cá tầm, cá hồi đang được người dân phát triển mạnh. Và điều đáng mừng là tại đây, người dân đã tìm được hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế trong việc nuôi loại thủy sản nước lạnh này.

Mô hình nuôi cá nước lạnh của anh Nguyễn Anh Tuấn.

Trang trại nuôi cá nước lạnh của chàng thanh niên 9X Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa được đầu tư hơn 9 tỷ đồng để xây dựng với trên 30 bể, mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 10 – 15 tấn cá hồi và 20 - 30 tấn cá tầm. Ngoài nuôi cá thương phẩm, mỗi năm trại cá của anh còn sản xuất 10 - 15 vạn cá giống để phục vụ cho gia đình và cung cấp cho các hộ nuôi cá nước lạnh trong và ngoài tỉnh.

Những con cá tầm nặng đến hàng chục kg.

Không chỉ nuôi cá tầm giống các trang trại khác, chàng thanh niên 9x Nguyễn Anh Tuấn còn nuôi những con cá tầm nặng đến hàng chục kg. Những con cá tầm “khổng lồ” được Tuấn mua lại của một gia đình ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên từ 3 năm trước. Những con cá nhỏ hơn là gia đình mua lại của các trang trại trong tỉnh và tự nuôi từ khi cá còn bé. Đàn cá tầm “khổng lồ” được gia đình Tuấn nuôi với mục đích lấy trứng thương phẩm vì trứng cá tầm có giá trị kinh tế cao.

Việc mở trang trại nuôi cá hồi, cá tầm không chỉ giúp chàng trai trẻ 9x Nguyễn Anh Tuấn thực hiện được ước mơ làm giàu, mà còn góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương. Hiện, trang trại của Tuấn có 5 lao động chính và hơn 10 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Nguyễn Anh Tuấn (trái ảnh) chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá nước lạnh cho người dân địa phương.

Việc nuôi cá tầm lấy trứng của chàng trai 9x được xem là hướng đi táo bạo trong phát triển kinh tế trang trại. Hiệu quả của mô hình đã góp phần truyền cảm hứng cho thanh niên và người dân vùng cao Sa Pa trong việc khai thác tiềm năng của tự nhiên vào sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo động lực để người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuấn Nguyễn – Hồng Hải


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết