Khi rau quả "đội lốt" nông sản Sa Pa

17:07 24-03-2023 | :198

Laocaitv.vn - Thực trạng nông sản “đội lốt”, gắn mác “Sa Pa” có lẽ đã quá quen với nhiều người dân địa phương. Nhưng trong mắt du khách, hình ảnh này vô hình chung đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu nông sản tại địa phương. Những năm gần đây, tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến trên nhiều tuyến phố của thị xã Sa Pa.

Không khó để bắt gặp tấm biển quảng cáo “hạt dẻ nếp Sa Pa”, hộp đựng in rõ “bánh hạt dẻ Sa Pa” khiến người mua dễ dàng lầm tưởng đây là đặc sản của Sa Pa. Hay những ngày gần đây, khi dâu tây đang vào chính vụ, dâu tây Trung Quốc cũng trà trộn vào thị trường, được người bán mời chào khá thuyết phục. 

Sa Pa chưa có vùng trồng cây dẻ tập trung và chưa có hạt dẻ để bán thành hàng hóa.

Theo một người bán hàng hoa quả ở thị xã Sa Pa cho biết: "Bây giờ đang mùa, giá dâu tây khoảng 80.000 - 90.000/kg; vào vườn tự hái họ lấy 200.000 đồng/kg. Bao giờ cũng thế, chủ yếu khách vào chụp ảnh nên họ bán đắt hơn bọn chị, bọn chị đi buôn nó khác".

Để khẳng định, chúng tôi đã mua 1 hộp dâu tây từ cửa hàng trên và mua tại vườn dâu tây ở xã Tả Phìn - nơi trồng dâu tây lớn nhất ở Sa Pa. Theo quan sát của phóng viên, hộp dâu tây được mua tại cửa hàng không có độ tươi. Khi so sánh hai loại dâu tây này thì có thể thấy, dâu tây của Trung Quốc có độ dài, dẹt, cuống lá to và dài hơn. Còn dâu tây Sa Pa có hình dáng to ở phần cuống và thuôn dần về phần đuôi, khi chín có màu đỏ đậm, cuống lá cũng nhỏ hơn.

 

Bằng mắt thường cũng dễ dàng phân biệt được dâu tây Sa Pa so với các loại dâu tây khác.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, hiện nay chưa có vùng trồng cây dẻ tập trung và chưa có hạt dẻ để bán thành hàng hóa tại địa phương. Dâu tây hiện có khoảng 2 ha tập trung ở xã Tả Phìn, nhưng phần lớn được du khách trực tiếp trải nghiệm hái tại vườn. Để bảo vệ thương hiệu nông sản Sa Pa, nhiều giải pháp đã được tính đến.

Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: "Sa Pa đã chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát lại toàn bộ các mặt hàng không đảm bảo, không đúng theo quy định, đặc biệt là không đúng với các sản phẩm mà Sa Pa đã được công nhận. Từ đó có các biện pháp xử lý mạnh để lập lại trật tự trong lĩnh vực này".

Không chỉ hạt dẻ, dâu tây bị “đội lốt”, gắn mác “Sa Pa”, mà nhiều nông sản khác khi vào vụ như: đào, mận, lê, mầm đá… cũng đối diện với thực trạng này. Hơn bao giờ hết, vấn đề bảo vệ uy tín thương hiệu nông sản Sa Pa và hình ảnh du lịch Sa Pa cần phải thực hiện quyết liệt hơn.

Diệp Chi - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết