Laocaitv.vn - Vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, trong đó nổi cộm là ô nhiễm từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng đang được các địa phương tích cực xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa cao.
Laocaitv.vn - Vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, trong đó nổi cộm là ô nhiễm từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng đang được các địa phương tích cực xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa cao.
Xã Bản Lầu, huyện Mường Khương có 1.150 ha dứa, 462 ha chè và 600 ha chuối; hằng năm sử dụng một lượng lớn các loại thuốc bảo vệ thực vật. Các bể thu gom đã được xây để chứa vỏ bao bì đựng thuốc. Nhưng khi bể đầy, bà con chỉ biết xử lý bằng cách đốt tại chỗ.
Với diện tích canh tác cây chuyên canh lớn, nhưng toàn xã Bản Lầu mới chỉ có 14 bể, trong khi theo quy định, cứ 3 ha đất trồng cây hằng năm phải có 1 bể chứa bao, gói thuốc bảo vệ thực vật; 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm sẽ có 1 bể chứa (dung tích 0,5 - 1 m3).
Ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: "UBND xã phối hợp với Ban tuyên vận tuyên truyền hằng tháng, tuy nhiên số lượng thu gom vào bể không nhiều. Hằng năm, Đoàn Thanh niên của xã cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng thực hiện thu gom rác và chuyển đi các nơi khác để tiêu hủy. Hiện nay, khó khăn nhất là vấn đề đầu tư xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; thứ hai là kinh phí chi trả cho các đoàn thể, những người thu gom vận chuyển rác đi tiêu hủy".
Việc thu gom và xử lý các bao bì thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thiếu bể chứa; chưa có nơi tiêu hủy đảm bảo... đang là trở ngại trong xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Hiện, toàn tỉnh chỉ có một kho chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh quản lý. Hằng năm, các địa phương, doanh nghiệp sẽ thu gom, vận chuyển về đây. Cụ thể, năm 2021 cả Sa Pa, Mường Khương và Bảo Yên mang đến kho tổng cộng 1.560 kg vỏ bao để chờ tiêu hủy.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết thêm: "Người dân chỉ được phép thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho vào bể chứa; tuy nhiên, qua thực tiễn thì có cả rác thải sinh hoạt. Điều này gây khó khăn cho việc thu gom, cũng như làm phát sinh chi phí tiêu hủy".
Để thực hiện triệt để việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, các địa phương cần quan tâm xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện hằng năm theo hướng dẫn của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn kinh phí xây bể chứa, đảm bảo về kích cỡ, mật độ. Đồng thời, hướng dẫn nông dân thu gom triệt để và đúng cách các loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Ngọc Diệp
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết