Khôi phục nguồn dược liệu quý dưới tán rừng

16:15 14-09-2019 | :1035

Laocaitv.vn - Là nơi sinh sống của 100% đồng bào người Dao đỏ, bên cạnh kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc thì người dân xã Tòng Sành, huyện Bát Xát vẫn còn giữ được các bài thuốc truyền thống từ nguồn được liệu quý dưới tán rừng. Tuy nhiên, bên cạnh việc khai thác, phát triển nghề thuốc truyền thống thì người Dao đỏ nơi đây đã chú trọng trồng, nhân rộng để gìn giữ, phát triển nguồn dược liệu quý tại địa phương.

Chị Lý Lở Mẩy (giữa) đã biết hái lá thuốc từ năm 8 tuổi.

Được mẹ truyền lại, năm 8 tuổi chị Lý Lở Mẩy, ở thôn Séo Tòng Sành đã biết lên rừng hái lá thuốc. Nếu trước đây, những bài thuốc quý như chữa đau lưng, xương khớp, sỏi thận, thuốc tắm bồi bổ sức khỏe chỉ được dùng trong gia đình, dòng họ thì nay, từ việc lên rừng lấy lá thuốc cũng mang lại cho gia đình chị Mẩy nguồn thu từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Chị Mẩy chia sẻ: "Trước thì tôi chỉ lấy thuốc cho gia đình, hàng xóm sử dụng thôi, nhưng từ 04 năm nay, tôi cũng đi lấy thuốc về bán rồi, cứ người này bảo người kia, rồi tìm đến mua thuốc về dùng. Từ nguồn thu nhập đấy cũng giúp gia đình tôi đỡ vất vả hơn".

Để phát triển nghề thuốc tắm đi đôi với bảo vệ nguồn dược liệu quý dưới tán rừng tự nhiên, năm 2017, xã Tòng Sành đã thành lập 03 tổ hợp tác bảo vệ rừng và cây dược liệu tại các thôn Chu Cang Hồ, Tả Tòng Sành và Séo Tòng Sành với sự tham gia của 63 thành viên. Trung bình hàng tháng, mỗi tổ hợp tác xuất bán ra thị trường khoảng 15 tấn lá thuốc tươi. Với giá thu mua là từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc thực hiện khai thác cây thuốc tự nhiên một cách khoa học, bảo tồn để cây có thời gian sinh trưởng, tái sinh, thì nhân dân Tòng Sành cũng đã thực hiện trồng thêm các loại cây dược liệu quý, hiện đã khan hiếm dưới tán rừng để bảo vệ nguồn gen quý như: Chùa Dù, Cơm Cháy... Tuy nhiên, hiện diện tích cây Chùa dù không còn nhiều bởi sau quá trình trồng, loại cây này không thích hợp với khí hậu tại địa phương. Chị Lò Lở Mẩy, thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát cho biết: "Từ việc lấy lá thuốc tắm thì cũng tăng thêm thu nhập cho chị em trong tổ hợp tác ngoài những ngày đi làm mùa. Thời gian tới, chúng tôi cũng muốn đầu tư cơ sở sản xuất thuốc tắm và làm dịch vụ phục vụ khác du lịch hy vọng mang lại thu nhập cao hơn cho chị, em. Tôi cũng động viên chị, em trồng thêm cây cơm cháy, cây bổ máu, cây đau xương, trên rừng, hiện còn ít, nếu nhân rộng phát triển các cây dược liệu này vừa bảo vệ rừng, vừa có thuốc quý để chữa bệnh".

Ngoài khai thác, bà con nhân dân còn trồng mới để gìn giữ các loại cây dược liệu quý.

Ông Bùi Hữu Chung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tòng Sành, huyện Bát Xát cho biết: "Theo thống kê thì hiện Tòng Sành có nhiều cây thuốc tắm có giá trị. Với phương châm "Vừa khai thác, bảo tồn và trồng mới", xã đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, bảo tồn các cây thuốc tắm và khai thác có hiệu quả. Chúng tôi cũng mong muốn cùng với nhân dân và doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm chất lượng".

Khi hiện tượng khai thác tận thu dưới tán rừng đang là vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương, thì việc thực hiện khai thác đi đôi với bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại xã Tòng Sành mang lại tín hiệu khả quan. Bởi khi gìn giữ được vốn dược liệu quý của rừng thì sẽ tạo sinh kế cho đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính tri thức bản địa truyền đời./.

 Vân Anh - Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết