Laocaitv.vn - Huyện Văn Bàn có tổng diện tích tự nhiên trên 142.300 ha, trong đó, đất có rừng gần 90.000 ha. Là địa phương có độ tán che phủ rừng lớn nhất tỉnh, trên 63%, liên tiếp những năm qua, huyện luôn luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng. Năm 2019 này, Văn Bàn đã hoàn thành rất sớm chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng mà địa phương này đặt ra.
Huyện Văn Bàn có độ tán che phủ rừng lớn nhất tỉnh.
Không giao kế hoạch trồng rừng và cũng là năm đầu tiên tỉnh Lào Cai ngừng thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư, song phong trào trồng rừng sản xuất của huyện Văn Bàn vẫn được đẩy mạnh ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2019. Tại hầu hết các xã trên địa bàn toàn huyện, người dân đã tự bỏ vốn, đầu tư mua cây giống để tiến hành trồng rừng, với các loại cây lâm nghiệp chủ lực hiện đang cho nguồn thu nhập kinh tế cao như quế, soan, trẩu, mỡ, bồ đề. Theo số liệu thống kê của huyện thì tính đến trung tuần tháng 7, địa phương này đã trồng được 420 ha rừng, đạt 100% kế hoạch, tuy nhiên trên thực tế, diện tích rừng trồng mới có thể lớn hơn rất nhiều. Ông Chu Duy Hùng, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: "Sở dĩ người dân hào hứng với việc trồng rừng sản xuất như vậy, là do những năm gần đây, bà con đã thực sự thấy rõ lợi ích từ kinh tế rừng, cho nên việc có được Nhà nước hỗ trợ hay không hỗ trợ thực sự với bà con cũng không cần thiết. Bởi vì bà con ở đây nói rẳng, Nhà nước có hỗ trợ hay không thì bà con vẫn trồng".
Thực tế này được chứng minh tại xã Tân An, năm nay, xã được giao trồng mới 40 ha rừng sản xuất, nhưng chỉ đến cuối tháng 7, địa phương này đã trồng được 150 ha, gấp gần 04 lần so với kế hoạch, đáng chú ý, toàn bộ diện tích rừng trồng mới của Tân An đều được thực hiện trên diện tích trước đây là đồi sắn. Là 01 trong những hộ dân tích cực tham gia trồng rừng sản xuất, ông Lương Quốc Thành, ở thôn Xuân Sang, xã Tân An cho biết: "Nhà ông có tổng cộng gần 04 ha rừng sản xuất, trong đó có 02 ha quế 04 năm tuổi, hơn 01 ha trẩu cũng vừa qua thời kỳ khép tán, còn lại cây bồ đề mới trồng. Hiện nay, rừng quế bắt đầu cho thu hoạch tỉa cành, hái lá, với giá bán 1.500 đồng/kg, mỗi ha quế cho thu nhập khoảng 8 triệu đồng, tuy nguồn thu nhập ban đầu của đồi quế chưa cao, nhưng tính ra, hơn trồng sắn gấp mấy lần. Thế nên, ở vụ trồng rừng năm 2019 này, tỉnh Lào Cai đã dừng lại chính sách hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư nhưng gia đình tôi vẫn tiếp tục trồng rừng mà không cần đắn đo, suy nghĩ".
Tương tự, tại xã Võ Lao, kế hoạch trồng mới trên 20 ha rừng sản xuất với 03 loại cây lâm nghiệp chính là quế, mỡ, bồ đề cũng được hoàn thành từ rất sớm và bà con đang chuẩn bị mở rộng diện tích ở vụ trồng rừng chính thứ 2 trong năm, bắt đầu vào cuối tháng 9 tới đây. Là 01 trong những hộ dân tích cực trồng rừng, anh Phạm Văn Man, ở thôn Bất 2 cho biết: "Trồng rừng còn để bảo vệ môi trường. Tôi có mảnh đất trồng mỡ 02 ha, chuẩn bị khai thác, khi khai thác xong còn đất là nhà tôi lại trồng rừng tiếp".
Được biết, trong vòng 04 - 05 năm trở lại đây, phong trào trồng rừng sản xuất của huyện Văn Bàn được người dân hưởng ứng tích cực, với phương châm “Khai thác đến đâu, trồng rừng mới đến đó”, tính bình quân, mỗi năm, toàn huyện Văn Bàn trồng mới khoảng 1.400 – 1.500 ha rừng. Để mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng, huyện Văn Bàn đã xây dựng Đề án Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững giai đoạn 2015 - 2020, theo đó, tăng diện tích trồng cây gỗ lớn và giảm dần diện tích trồng rừng gỗ nhỏ, đồng thời, khuyến khích nhân dân tập trung trồng cây phân tán đối với những diện tích đất nhỏ lẻ, không nằm trong quy hoạch trồng rừng tập trung, nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, tạo cảnh quan, bóng mát, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu sử dụng gỗ của nhân dân.
Cùng với trồng rừng gỗ lớn, huyện cũng đa dạng các mô hình canh tác rừng, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loài cây có năng suất cao, chu kỳ kinh doanh ngắn, phù hợp với điều kiện địa phương vào sản xuất; hỗ trợ và khuyến khích nhân dân trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao về mặt y dược và kinh tế. Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện đang rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp để triển khai xây dựng mô hình trồng rừng, cải tạo rừng bồ đề lấy nhựa sản xuất cánh kiến trắng, kết hợp trồng xen cây gừng dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập… Với hướng đi này, lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, giúp hàng nghìn hộ dân Văn Bàn có thể sống và làm giàu được từ nghề rừng. /.
An Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết