Kinh tế nông nghiệp đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng GRDP của Lào Cai

06:18 10-09-2020 | :570

Laocaitv.vn - Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020, GRDP bình quân của Lào Cai đạt 72 triệu đồng/người/năm. Sau 5 năm thực hiện, theo đánh giá, GRDP bình quân đầu người của Lào Cai năm 2020 dự kiến đạt mức 77 triệu đồng/người/năm. Cùng với công nghiệp, dịch vụ - du lịch, kinh tế nông nghiệp được đánh giá là đóng vai trò chủ lực đối với tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần mang lại hiệu quả kinh tế.

Với hơn 500 gốc thanh long, trên 10 ha rừng, trong số này, loại cây cho giá trị kinh tế đó là quế chiếm tới hơn 5 ha và đang cho thu hoạch, nguồn thu tính trong 2 năm gần đây của gia đình anh Nguyễn Đức Quý, thôn Hàm Rồng, xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên đạt từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Điều đáng quan tâm là mô hình kinh tế của gia đình trẻ này đã nhận được sự định hướng cũng như quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương. "Khi mới triển khai, chưa có kinh nghiệm thì tôi cũng phải nhờ các cấp lãnh đạo xem xét, cho ý kiến nên trồng nhiều hay ít. Ban đầu, kinh tế còn kém phải vay vốn ngân hàng để đầu tư, qua thời gian trồng thanh long, quế cũng đã tạo cho gia đình nguồn thu nhập ổn định", anh Nguyễn Đức Quý, thôn Hàm Rồng, xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên cho biết.

Cũng nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp ủy, chính quyền, gia đình bà Vi Thị Ngân, thôn Tông Pháy, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn đã chuyển một phần ruộng canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng mía, đồng thời toàn bộ diện tích vườn tạp chuyển sang trồng mận, vải thiều, mang lại thu nhập cao. "Từ khi chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng mía và các loại cây ăn quả tôi thấy ổn định hơn nhiều, kinh tế cũng không còn khó khăn như trước”, bà Vi Thị Ngân, thôn Tông Pháy, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn chia sẻ.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai tại các địa phương.

Sự chủ động của bà con nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến từ việc triển khai có hiệu quả các đề án của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV. Trong 19 Đề án của Tỉnh uỷ, không phải ngẫu nhiên mà Đề án về Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 được xếp ở vị trí thứ nhất, bởi tái cơ cấu chính là vấn đề mấu chốt để nâng cao giá trị và giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất, từ đó tác động trực tiếp đến GRDP đầu người.

Kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ lực đối với tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Với việc đưa giống mới, áp dụng kỹ thuật vào canh tác đã đưa giá trị thu nhập 1 ha năm 2020 dự ước đạt 80 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015, vượt 6,6% mục tiêu đại hội. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 260 triệu đồng/ha. Tất cả những yếu tố trên đều tác động trực tiếp, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn.

"Tỉnh đã chỉ đạo, bố trí lồng ghép hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và địa phương nên các nguồn lực đều đáp ứng yêu cầu trong đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, đó chính là những tác động lớn góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 01 của tỉnh”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Nếu như năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, mức thu nhập bình quân đầu người của Lào Cai đạt 46 triệu đồng, thì năm 2020 đạt 77 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 2 trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, ngang bằng với mức bình quân chung cả nước. Đời sống của người dân, nhất là khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng lên. Chính vì vậy, mức tăng trưởng GRDP trên lĩnh vực nông nghiệp càng có ý nghĩa đặc biệt, đồng nghĩa với đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững cho tỉnh.

Lê Liên – Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết