Làm gì để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng của quốc gia?

10:06 24-07-2019 | :1587

Laocaitv.vn - Với diện tích rừng tự nhiên lớn, trong đó có nhiều loài cây quý, nhất là 6 quần thể cây di sản Việt Nam, Vườn Quốc Gia Hoàng Liên hiện là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Quốc gia và được Quỹ Môi trường toàn cầu xếp loại A. Tuy nhiên xung quanh khu vực vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia hiện có khoảng 24.000 người chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nguồn thu nhập chính của bà con phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, tài nguyên rừng và trồng thảo quả trong rừng. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn có thể làm cho tài nguyên rừng nơi đây bị xâm lấn, phá hoại. Vậy trước thực tế này, Ban quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã có những giải pháp nào để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng quý giá?

 

 

Thực vật trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên ở độ cao 2.200 m (Ảnh: Cổng TTĐT Vườn Quốc gia Hoàng Liên)

Xác định việc tạo ra nguồn thu ổn định ngoài rừng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giảm tác động của người dân lên tài nguyên rừng quốc gia, thời gian qua, Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai  thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân sống xung quanh vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên như: Dự án hỗ trợ phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016 – 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Dự án nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số dựa trên nông nghiệp bền vững giai đoạn 2017 – 2020 do Vùng Aquiten Cộng hòa Pháp tài trợ; Dự án phát triển chuỗi giá trị giảo cổ lam, thuốc tắm, giai đoạn 2018 – 2020 do Quỹ Bảo tồn sinh học hỗ trợ… Các dự án thực hiện hỗ trợ cho khoảng trên 800 hộ dân bằng cây, con giống; vật tư sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Qua quá trình thực hiện các dự án đã bước đầu xây dựng thành công 7 mô hình trồng trọt, chăn nuôi lớn theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, với 360 mô hình sản xuất nhỏ được triển khai, điển hình như: Đã có 40 hộ gia đình ở các xã Tả Van, Lao Chải, San Sả Hồ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc và cấp trên 39.500 cây giống ăn quả; 20 hộ dân ở các xã Tả Van và San Sả Hồ được hỗ trợ kỹ thuật, dụng cụ, bảo hộ lao động, túi bầu PE và thực hiện sang bầu, chăm sóc 6.000 cây giống hoa địa lan do Vườn Quốc gia Hoàng Liên cung cấp. Mô hình chuỗi giá trị giảo cổ lam đã hỗ trợ 5.700 hom giống cho 19 hộ gia đình tại xã Lao Chải và San Sả Hồ, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vật liệu làm giàn che, hàng rào…, cho thu nhập 100 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi giống bản địa đã có hàng trăm con lợn đen, gà đen giống được cấp cho các hộ dân nuôi dưỡng, hiện đang sinh trưởng, phát triển mạnh… Các mô hình bước đầu được thực hiện hiệu quả đã mang lại niềm tin và hy vọng mới cho người dân địa phương. Anh Mã A Su, thôn San 2, xã Lào Chải cho biết: "Vườn Quốc gia Hoàng Liên có dự án đưa cây nông nghiệp vào trồng, người dân trong thôn phát thực bì, làm hàng rào, đào hố xong rồi Vườn Quốc gia chuyển cây giống và phân bón để mình trồng. Đến nay đã trồng xong các hộ dân trong thôn đang tập trung chăm sóc, bảo vệ không có gia súc vào phá, hiện cây sinh trưởng tốt. Nếu cây cứ phát triển tốt thì sau 5 năm nữa bà con nhân dân trong thôn sẽ có thu nhập ổn định, mình rất mong đến ngày được thu hoạch".

Khi đời sống kinh tế từng bước được cải thiện và nâng cao, cũng là lúc người dân các xã vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên nhận thấy giá trị của việc thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tự nhiên. Từ đó người dân tích cực tham gia vào công tác này. Anh Vàng A Dê, thôn Sín Chải, xã San Sả Hồ chia sẻ: "Quan trọng là phải giữ được rừng, mà lợi ích từ rừng lại là người dân được hưởng, có rừng không khí trong sạch, tài nguyên thiên nhiên của vườn được bảo vệ. Chúng tôi cũng muốn góp sức mình vào việc làm có ích là bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên của địa phương mình". 

 

Các chuyên gia nước ngoài thu thập mẫu ngoài thực địa (Ảnh: Cổng TTĐT Vườn Quốc gia Hoàng Liên)

Các hộ dân đã tích cực tập trung phát triển các mô hình để có thu nhập ổn định hơn, từ đó tác động tiêu cực của con người lên tài nguyên rừng tự nhiên Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng giảm đi rất nhiều, công tác bảo vệ và giữ gìn tài nguyên rừng quốc gia cùng vì thế mà thuận lợi và hiệu quả hơn. Theo thống kê của đơn vị, trong nửa đầu năm nay, trong khu vực Vườn Quốc gia Hoàng liên chỉ xảy ra 5 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, tài nguyên rừng bị xâm hại chủ yếu là cây sa mộc loại 5, giảm trên 72% so với cùng kỳ năm trước. Xung quanh khu vực vùng lõi, vùng đệm xảy ra 3 điểm cháy, diện tích cháy chủ yếu là đất trống, tràng cỏ và nhanh chóng được dập tắt không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng quốc gia. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: "Thông qua các dự án này người dân nâng cao được nhận thức về việc bảo vệ và phát triển rừng, người dân cũng dần hiểu được mỗi loài cây ở đây là nguồn tài nguyên quý giá của Quốc gia. Chúng tôi tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ bà con nhân dân phát triển kinh tế bền vững, mang lại lợi ích cho người dân, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng lõi, vùng đệm. Cho nên trách nhiệm của cộng đồng dân tộc thiểu số, đối với công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng những năm gần đây đã được cải thiện và có chuyển biến tích cực, số vụ xâm phạm tài nguyên rừng, cháy rừng giảm theo từng năm". 

Trong thời hời gian tới, Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân đang được triển khai thực hiện. Đồng thời nghiên cứu thực hiện các mô hình sản xuất mới phù hợp với đặc thù của địa phương, giúp người dân cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững, qua đó hạn chế, tiến tới chấm dứt sự tác động của con người lên tài nguyên rừng khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Mai Huệ

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết