Laocaitv.vn - Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP được tỉnh Lào Cai triển khai tích cực trong 3 năm qua, đến nay toàn tỉnh đã có trên 1000 sản phẩm được phê duyệt, cấp chứng nhận đạt sao OCOP. Trở thành hàng hóa có giá trị, các sản phẩm OCOP đã và đang giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Phóng sự thực hiện tại xã Minh Tân, huyện Bảo Yên với quả thanh long ruột đỏ - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Vườn cây thanh long ruột đỏ của gia đình chị Cổ Thị Vệ.
Năm 2016, chị Cổ Thị Vệ, bản Minh Hải, xã Minh Tân, huyện Bảo Yên trồng hơn 100 trụ thanh long ruột đỏ đầu tiên trên mảnh đất đất trồng ngô. Đến nay, số trụ thanh long của gia đình chị đã tăng lên tới con số gần 1.000. Chỉ tính riêng diện tích thanh long trồng ban đầu, mỗi năm gia đình chị Vệ cũng thu được trên 70 triệu đồng. Chị Cổ Thị Vệ chia sẻ: "Trồng cây thanh long thu nhập cao hơn nhiều so với trồng sắn, trồng ngô. Thanh long của Minh Tân đã có thương hiệu, bán dễ và giá cũng ổn định hơn".
Tại bản Minh Hải, Hợp tác xã Hòa Tân được thành lập với 9 thành viên, chuyên trồng và tiêu thụ thanh long ruột đỏ. Từ khi quả thanh long của Minh Tân trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, hoạt động của hợp tác xã cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt là đưa ra được những giải pháp để vượt qua những khó khăn do giá vật tư, phân bón tăng cao. Ông Trần Văn Hiển, bản Minh Hải, xã Minh Tân, huyện Bảo Yên cho biết: "Hợp tác xã chỉ đạo để làm sao quả thanh long mang lại hiệu quả cao. Năm nay giá phân bón quá cao, giá quả thanh long lại bấp bênh nên chúng tôi vẫn phải đầu tư vào chiều sâu, để đạt được cái năng suất cao bù lại chi phí. Chất lượng quả thanh long ngon, được các nơi tin tưởng".
Thanh long ruột đỏ đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Đặng Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân, huyện Bảo Yên cho biết: "Xác định thanh long là cây chủ lực, cây tiềm năng của địa phương. Sau khi thành sản phẩn OCOP chúng tôi cũng được tỉnh, huyện quan tâm, hiện tại đang có hơn 23 ha, sẽ có chủ trương mở rộng trên 100 ha, có sự liên kết với các vùng và cũng đề xuất gắn với chế biến".
Huyện Bảo Yên đã có 11 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Phát triển sản phẩm hàng hóa đạt sao OCOP đã góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra các sản phẩm đặc trưng và nâng cao thu nhập cho người dân. Ở chiều ngược lại, nông dân có thể làm giàu bền vững từ sản phẩm OCOP, là động lực để tạo dựng những thương hiệu dù ở quy mô cấp làng, xã nhưng có thể vươn xa nhiều thị trường.
Thu Hường – Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết