Làm giàu từ trồng măng bói

14:26 06-08-2021 | :1725

Laocaitv.vn - Là địa phương có độ tán che phủ rừng lớn nhất tỉnh, huyện Văn Bàn có nhiều hộ nông dân thu nhập tiền tỷ từ việc phát triển kinh tế rừng. Trong số những tỷ phú sơn lâm đó của huyện Văn Bàn, ông Phạm Văn Chế ở xã Khánh Yên Thượng là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi từ mô hình trồng cây măng bói.

Ông Chế thu hoạch măng bói.

Vốn là người Tày gốc bản địa, việc trồng rừng đối với ông Phạm Văn Chế đến như một lẽ tự nhiên. Cách đây khoảng 15 năm, khi diện tích rừng tự nhiên của Văn Bàn đang bị suy thoái trầm trọng, thì việc trồng loại cây lâm nghiệp nào cho giá trị và thu nhập ổn định lại cần một sự tính toán cẩn trọng. Suy đi tính lại, ông Chế đã lựa chọn cây Măng bói, một giống măng đặc sản mà ít địa phương nào có được để xây dựng mô hình trồng rừng kinh tế. Ông Chế cho biết: "Cây măng bói có ưu điểm là cho thu được dài ngày. Măng mọc từ tháng 3 đến tận tháng 11. Giống măng này dễ trồng".

Là loại măng đặc sản, ngon nổi tiếng được người tiêu dùng đặc biệt ưa thích. Từ chỗ chỉ vài khóm đến nay gia đình ông đã có trên 6 ha măng bói. Bình quân mỗi năm gia đình ông Chế hái được khoảng 20 – 25 tấn măng tươi, thu nhập khoảng 300 – 350 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở Văn Bàn và 1 vài địa phương khác đã tìm đến học hỏi và mua cành giống, ông Chế lại có thêm một khoản thu nữa từ việc bán cành giống. Ông Chế chia sẻ thêm: "Tôi nuôi được 04 đưa con ăn học, bây giờ đã trưởng thành có việc làm hết rồi. Nếu mà không có cái rừng này thì không nuôi được chúng nó ra trường như thế".

Nguồn nước trong khu vực được cải thiện cũng nhờ có những cánh rừng măng bói. 

Không chỉ là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, những cánh rừng măng bói còn giúp môi trường khí hậu, nguồn nước xung quanh được cải thiện. Ông Chế tận dụng những lợi thế này để chăn nuôi trâu bò, đào áo thả cá nâng cao thu nhập. Kinh tế vững vàng đã tạo điều kiện để ông giúp đỡ những hội viên nông dân nghèo khác trong thôn. Ông Hoàng Xuân Viết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn cho biết: "Trên địa bàn xã Khánh Yên Thượng năm vừa rồi có 196 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có gia đình anh Chế. Gia đình anh Chế hiện đang giúp từ 10 – 12 hộ có việc làm thường xuyên, từ việc thu hoạch măng đến chăm sóc măng bói".

Hiện toàn xã Khánh Yên thượng có khoảng 60 ha măng bói. Sản phẩm đang được chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh thẩm định, công nhận là sản phẩm OCOP. Đây là điều kiện để giữ thương hiệu, giúp người dân làm giàu bền vững từ loại cây đặc sản này./.

An Hồng - Vũ Giang

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết